Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kể từ ngày 1-4 tới, tuổi nghỉ hưu đối với công chức nhà nước ở trung ương và địa phương tại Nhật Bản sẽ được nâng từ mức 60 tuổi hiện nay lên 61 tuổi.
Sau đó, cứ hai năm một lần, tuổi nghỉ hưu của công chức nhà nước sẽ được tăng thêm 1 năm cho đến khi chạm ngưỡng 65 tuổi vào tài khóa 2031.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu của công chức nhà nước là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số giảm. Thông qua đó, chính phủ nước này muốn các công chức lớn tuổi sử dụng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ cho các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn.
Khi tuổi nghỉ hưu được nâng lên mức 65, bất cứ ai nghỉ hưu ở tuổi 60 sẽ phải trải qua thời kỳ không được nhận lương hưu. Hệ thống tái tuyển dụng công chức sẽ được sử dụng để giải quyết vấn đề này.
Hiện nay, dư luận Nhật Bản đang quan tâm việc liệu khu vực tư nhân có các động thái tương tự hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.