(HNM) - Việc Mỹ công bố chiến lược về quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương vào ngày 28-9 cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang coi việc gắn kết sâu sắc hơn với các quốc gia trong khu vực này là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Chiến lược được đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương phản ánh sự hợp tác mở rộng của Mỹ trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra trong hai ngày 28 và 29-9 tại Mỹ, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương và 2 đại diện là Australia, New Zealand với tư cách quan sát viên. Tại hội nghị, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết hỗ trợ 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương và có kế hoạch khởi động đàm phán thương mại vào cuối năm nay, nhằm tăng cường can dự ở khu vực vốn đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của một số cường quốc khác. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã định hướng các phiên thảo luận vào việc bàn các biện pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời thúc đẩy trao đổi kinh tế và giữ gìn một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Đồng thời, Mỹ cũng sẵn sàng điều chỉnh chiến lược khu vực của mình phù hợp với “Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương đến năm 2050”.
Sự hợp tác của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua. Năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Papua New Guinea. Vào năm 2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thăm Liên bang Micronesia, trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến quốc gia này. Vào tháng 2-2022, Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Fiji - chuyến thăm đầu tiên sau 3 thập kỷ. Còn vào tháng 7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Sang tháng 8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Đại sứ Mỹ tại Australia Caroline Kennedy đã đến quần đảo Solomon để kỷ niệm 80 năm chiến dịch Guadalcanal.
Trên thực tế, mối quan tâm của Washington đối với các quần đảo Thái Bình Dương đang tăng không chỉ vì lo ngại sự ảnh hưởng của một số cường quốc mà còn vì Mỹ có những lợi ích cơ bản ở đây. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, có một số lãnh thổ (bang Hawaii, Samoa, quần đảo Bắc Mariana và Guam) nằm trong khu vực này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của quốc đảo Thái Bình Dương muốn có cam kết nhất quán từ Washington. Các nhà lãnh đạo khu vực này muốn Mỹ can dự vì lợi ích của chính các quốc đảo, chứ không chỉ để chống lại sự ảnh hưởng từ bất kỳ quốc gia nào. Các quốc đảo Thái Bình Dương xác định biến đổi khí hậu là mối quan tâm an ninh hàng đầu vì đây là mối đe dọa hiện hữu đối với sinh kế, an toàn và an ninh của người dân. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng tìm kiếm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn - đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và bảo vệ tốt hơn cho nghề cá. Ngoài việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và bảo vệ nghề cá, các nhà lãnh đạo của hàng loạt quốc đảo Thái Bình Dương kỳ vọng Mỹ hiện diện thường xuyên hơn tại khu vực này, như mở các đại sứ quán mới, sự trở lại của Quân đoàn Hòa bình...
Theo giới quan sát, tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ ở các quần đảo Thái Bình Dương chỉ là bước đầu tiên để Washington hoàn thành các mục tiêu của mình trong khu vực. Để chiến lược mới thành công, sự hợp tác giữa Mỹ với các đảo ở Thái Bình Dương phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong nhiều năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.