Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi. Thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ, dùng công nghệ tạo bao bì, tem nhãn rất giống hàng thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
Ngày 2-7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin” tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả, góp phần minh bạch thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, tình trạng hàng giả, hàng gian đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, phân bón… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, thay đổi thường xuyên để né tránh sự kiểm tra, giám sát.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng chồng chéo trong các quy định pháp luật, khiến hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thực sự hiệu quả.
Theo bà Lan, thanh tra định kỳ phải lập danh sách trước và trình duyệt, nếu trùng lặp giữa các lực lượng thì phải phối hợp để thống nhất đoàn thanh tra, nội dung kiểm tra thường chỉ dừng lại ở giấy tờ hành chính.
“Hàng giả, hàng gian không phải chuyện mới, nhưng nếu không xử lý triệt để, sẽ tích tụ và bùng phát thành những vụ việc nghiêm trọng. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, hệ thống siêu thị, nhà phân phối cũng cần đóng vai trò là "nút chặn", không tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặt chất lượng lên hàng đầu thay vì chỉ quan tâm đến chiết khấu”, bà Lan nhấn mạnh.
Đáng chú ý, các hoạt động buôn bán hàng giả có xu hướng lan rộng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và qua giao dịch xuyên biên giới, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết, nhiều thương hiệu lớn như Yến sào Khánh Hòa, Sanest… liên tục bị làm giả. Các đối tượng vi phạm thường thành lập doanh nghiệp “ma”, khi bị phát hiện thì giải thể nhanh chóng rồi lập công ty khác để tiếp tục hoạt động. Điều này khiến việc xử lý chỉ dừng ở phần ngọn.
Ông Hải cho rằng, để ngăn chặn hàng giả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng, khuyến khích kiểm tra thông tin sản phẩm, quét mã QR để xác minh hàng chính hãng.
Về phía lực lượng quản lý thị trường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cuộc chiến chống hàng giả là lâu dài, không thể dựa vào những chiến dịch ngắn hạn. Cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả gây hại sức khỏe cộng đồng.
Ông Đạt cũng lưu ý việc kiểm soát quyền lực trong lực lượng chức năng để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp chân chính. Việc xử lý cần nghiêm minh, tránh để lọt hành vi vi phạm, đồng thời không cản trở hoạt động hợp pháp của thị trường.
Từ ngày 15-5 đến 15-6, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.891 vụ, xử lý 3.114 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 32 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu gần 31 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng. Đặc biệt, có 26 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra do có dấu hiệu hình sự, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng chức năng đã xử lý 1.580 vụ (chiếm hơn 52% tổng số vụ), với số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng. Hàng lậu cũng được phát hiện và xử lý 648 vụ, chiếm 21%, phạt hơn 6 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.