Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU: Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thùy Dương 22/10/2023 - 07:21

Bị phủ bóng bởi cuộc xung đột Israel - Hamas nhưng Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Mỹ lần thứ hai dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc vào ngày 20-10 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington (Mỹ) vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đây được coi là cơ hội để Mỹ và EU củng cố quan hệ Đối tác xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh hai bên có dấu hiệu rạn nứt.

quang-canh-hoi-nghi-thuong-.jpg
Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU tại Nhà Trắng, Washington (Mỹ), ngày 20-10.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU lần thứ hai sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào tháng 6-2021.

Tại sự kiện do Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đồng chủ trì, những chủ đề “nóng” được hai bên đưa ra thảo luận gồm xem xét sự hợp tác giữa Mỹ và EU, trong đó có cam kết chung nhằm hỗ trợ Ukraine; hướng tới một mặt trận thống nhất trong cuộc xung đột Israel - Hamas; nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu dựa trên chuỗi cung ứng an toàn, linh hoạt; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và giải quyết các thách thức liên quan; tiếp tục hợp tác trong các công nghệ quan trọng và mới nổi. Các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung, trong đó có lộ trình củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ trong nhiều năm tới.

Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ được thiết lập để thảo luận các vấn đề thương mại. Tuy nhiên, như lời chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel: “Ngày nay, thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn. Và hơn bao giờ hết, thế giới cần một liên minh EU - Mỹ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này”.

Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ diễn ra khi cuộc xung đột Ukraine - Nga đã xảy ra hơn 600 ngày và cuộc chiến Israel - Hamas bất ngờ nổ ra. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu mong muốn thể hiện một mặt trận thống nhất, tìm cách tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai bên. Nhiệm vụ chính của ngoại giao xuyên Đại Tây Dương là xây dựng những nỗ lực chung nhằm bảo đảm một nơi ở an toàn, kiên cường hơn cho công dân Mỹ và châu Âu, phù hợp với các giá trị dân chủ của hai bên.

Đáng chú ý, tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023 này, Mỹ và EU phải thể hiện quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ trong phản ứng trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel và xung đột Nga - Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh này được đánh giá sẽ củng cố sự sẵn sàng của Mỹ và EU trong hợp tác cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong thời gian cần thiết. Tuy nhiên, dù hai bên đồng thuận trong chính sách đối với Ukraine nhưng lại gặp khó khăn trong tiếp tục viện trợ quân sự vì các lý do khác nhau. Vì vậy, hai bên tập trung vào khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine hơn là các hành động cụ thể, đặc biệt là viện trợ quân sự. Bên cạnh đó, EU và Mỹ đang tìm cách ngăn chặn mặt trận thứ hai tiềm tàng trong xung đột Israel - Hamas có thể chứng kiến sự tham gia của phong trào Hezbollah ở Lebanon hoặc sự leo thang trong khu vực với những phân nhánh khó lường.

Địa chính trị không phải là vấn đề duy nhất hai bờ Đại Tây Dương gặp thách thức, mà căng thẳng thương mại cũng đang gia tăng. Các nhà lãnh đạo đã không đạt được thỏa thuận liên quan đến kế hoạch hợp tác để tạo ra một khu vực thuế quan chung nhằm áp dụng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nền kinh tế phi thị trường. Các nhà phân tích nhận định, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ là xa vời, khi Washington muốn EU áp dụng thuế kim loại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và EU từ chối thực hiện điều đó trước cuộc điều tra kéo dài một năm nhằm tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị thượng đỉnh cũng không đạt được thỏa thuận nhằm giảm bớt tác động lên các nhà sản xuất châu Âu từ Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ - đạo luật cho phép người tiêu dùng giảm thuế khi mua xe điện (EV) lắp ráp ở Bắc Mỹ. Phần lớn nội dung của hội nghị thượng đỉnh đã tập trung vào việc làm thế nào để làm cho các nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ và cạnh tranh hơn, đặc biệt khi phải đối mặt với những thách thức của các nền kinh tế phi thị trường.

Mối quan hệ EU - Mỹ đã đi được một chặng đường dài kể từ năm 2021. Hai đối tác vẫn còn những khác biệt cần dung hòa về các vấn đề thương mại, kinh tế và động lực chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng rộng hơn, Mỹ và EU phải nhìn xa hơn mối quan hệ để hợp tác xây dựng một liên minh rộng lớn nhằm giải quyết các thách thức địa chính trị ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU: Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.