Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc năm 2023:Dấu mốc mới và những quan ngại

Hoàng Linh 21/08/2023 - 07:02

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David, bang Maryland (Mỹ) được đánh giá là dấu mốc cho giai đoạn mới trong quan hệ đồng minh ba bên, nhưng cũng đối mặt những quan ngại về “hiệu ứng phụ”, gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực.

3-nuoc.jpg
Lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chia sẻ thông tin về hội nghị thượng đỉnh với báo giới.

Sau nhiều tháng trao đổi ngoại giao gia tăng đều đặn và sự “tan băng” lịch sử trong căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden đã tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ba bên. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức độc lập và là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden mời các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Trại David.

Nói về hội nghị, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, khi hợp tác cùng nhau, Washington - Tokyo - Seoul đều sẽ trở nên mạnh mẽ hơn; Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định, mối quan hệ tin tưởng và tín nhiệm giữa ba bên ngày càng sâu sắc; trong khi Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, hội nghị này đã thiết lập một cơ sở chắc chắn và các cam kết quan hệ đối tác ba bên.

Về nội dung các trao đổi, truyền thông quốc tế cho hay, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ đối tác ba bên nhằm ứng phó những thách thức mới về an ninh và kinh tế. Quan điểm này thể hiện rõ trong tuyên bố chung sau hội nghị với tên gọi “Tinh thần của Trại David”, trong đó nhấn mạnh về một sự khởi đầu của kỷ nguyên đối tác mới trong bối cảnh các vấn đề địa chính trị, khủng hoảng khí hậu, xung đột Ukraine và các hành động hạt nhân… diễn biến phức tạp.

Ba nhà lãnh đạo cũng đạt nhất trí về: Tham vấn cấp cao ba bên, trong đó cam kết sẽ kịp thời tham vấn nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó với các thách thức, khiêu khích và đe dọa trong khu vực, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung; tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ba bên ít nhất một năm một lần, song song các cuộc họp quan chức cấp cao; tăng cường hợp tác an ninh ba bên, chia sẻ thông tin tình báo, thiết lập đường dây nóng liên lạc ba chiều... Ba nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cam kết hành động để bảo vệ hòa bình và ổn định, góp phần củng cố các cấu trúc đã hiện hữu trong khu vực.

Đáng chú ý, tại Trại David, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp song phương bên lề, trong đó hai bên hoan nghênh việc tiếp tục đối thoại và hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực, cũng như trao đổi kinh doanh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời khẳng định sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ. Đây được xem là dấu hiệu tích cực, và là thành quả từ những nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương thời gian qua.

Giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Joe Biden mời các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tới Trại David đã cho thấy mong muốn làm sâu sắc quan hệ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul. Washington cũng không che giấu kỳ vọng, lần gặp gỡ này sẽ khởi đầu chuỗi hội nghị thường niên, mở ra kênh hợp tác mới giữa ba quốc gia. Cách tiếp cận này là phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn có trọng tâm là cải thiện quan hệ giữa các đồng minh trong khu vực, mà Mỹ đang theo đuổi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra rằng, việc Washington quá sốt sắng trong tăng cường quan hệ với đồng minh châu Á có thể dẫn tới rủi ro. Theo Reuters, trước hết đó là làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực. “Những nỗ lực đưa các mâu thuẫn vào châu Á - Thái Bình Dương sẽ không nhận được sự ủng hộ” - một bài viết của hãng tin này nhấn mạnh. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ, việc thành lập các nhóm và bè phái chắc chắn sẽ gây ra sự cảnh giác và phản đối ở các nước trong khu vực. Ngoài ra, không khó để nhận ra, Tokyo và Seoul sẽ phải luôn cân nhắc thận trọng trong các quyết sách, nhằm tránh gây tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh, vốn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu.

Nhìn chung, không thể phủ nhận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc lần này là một diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, nhưng mọi quyết sách của nhóm đồng minh lâu năm này phải được cân nhắc thận trọng. Bởi lẽ, ưu tiên trên hết vẫn là hạn chế tối đa phát sinh những mâu thuẫn, căng thẳng tiềm ẩn có thể đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc năm 2023: Dấu mốc mới và những quan ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.