Thế giới

Bước lùi của Công ước Ottawa

Thùy Dương 02/07/2025 - 06:56

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh rút Ukraine khỏi Công ước Ottawa về cấm sản xuất và sử dụng mìn sát thương cá nhân như một bước đi cần thiết trước các chiến thuật của quân đội Nga.

Phần Lan, Ba Lan và 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, Litva cũng đã rút hoặc bày tỏ ý định sẽ rút khỏi công ước.

Động thái này đe dọa đảo ngược những nỗ lực nhằm ngăn chặn một loại vũ khí có sức tàn phá với nhiều vùng lãnh thổ, gây thương tích và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

binh-si.jpg
Binh sĩ Ukraine kiểm tra mìn tại cánh đồng ở Izyum, tỉnh Kharkiv. Ảnh: Getty

Công ước Ottawa được ký kết năm 1997 (tại Ottawa, Canada) và có hiệu lực từ năm 1999 với mục tiêu là "ngăn chặn nỗi đau khổ mà các loại mìn gây ra cho dân thường". Đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt lịch sử khi 164 quốc gia tự phá hủy kho mìn của mình và cam kết không sử dụng chúng trong tương lai.

Kể từ khi ra đời, công ước đã dẫn đến dừng hẳn việc sản xuất mìn chống người trên toàn cầu và giảm mạnh việc triển khai chúng. Tuy vậy, vẫn có gần 30 quốc gia không tham gia công ước này - bao gồm một số nước sản xuất và sử dụng mìn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Nga...

Trong một báo cáo do Landmine Monitor công bố vào năm 2024, cơ quan giám sát quốc tế này cho biết, mìn vẫn đang được Nga, Myanmar, Iran và Triều Tiên sử dụng khá phổ biến vào năm 2023 và 2024.

Cùng với Ukraine, viện dẫn mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng, các quốc gia châu Âu có chung đường biên giới với Nga đã công bố kế hoạch rút khỏi công ước toàn cầu này, ngoại trừ Na Uy.

Giới phân tích cho biết Ukraine là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mìn và thuốc nổ bị bỏ lại do cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Theo tờ Telegraph (Anh), việc sử dụng mìn đe dọa để lại hậu quả lâu dài.

Năm 2023, ít nhất 2.000 người thiệt mạng do mìn trên toàn thế giới, trong đó 84% là thường dân và 1/4 là trẻ em. Các quốc gia như Angola, Campuchia, Afghanistan vẫn đang gánh chịu thảm họa từ mìn sau nhiều thập kỷ.

Khi rút khỏi công ước được lập ra năm 1997, các quốc gia có thể quay lại sản xuất, sử dụng và tích trữ mìn.

Dù nghị sĩ Laurynas Kasciunas, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva khẳng định, các quả mìn hiện đại có thể được kích hoạt từ xa và chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, tuy nhiên, giới chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội bày tỏ quan ngại, mong muốn Phần Lan, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic nên xem xét lại các quy trình vội vã khi rút khỏi công ước.

Các quốc gia này nên dành nhiều thời gian hơn cho cuộc tranh luận công khai, tham vấn chuyên gia và xem xét kỹ lưỡng các hậu quả trước khi thực hiện việc này. Bởi lẽ với việc rời khỏi công ước cấm mìn, các quốc gia này sẽ không còn tiếng nói trong diễn đàn để đấu tranh cho một thế giới không có mìn. Cho đến nay, việc rút khỏi các hiệp ước giải trừ quân bị đa phương là rất hiếm.

Một mục tiêu chính của các hiệp ước đa phương là phổ cập hóa hoàn toàn bằng việc mọi quốc gia đều có thể tham gia. Nhưng mục tiêu này đang bị suy yếu, ảnh hưởng đến thiết lập chuẩn mực nói chung. Hiện tại, việc rút khỏi công ước cấm mìn chỉ giới hạn ở 6 quốc gia châu Âu nhưng Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, động thái rút khỏi công ước có thể gây ra hiệu ứng domino với các thỏa thuận toàn cầu khác.

Bên cạnh đó, cùng với việc các quốc gia rút khỏi công ước, nỗ lực rà phá bom mìn toàn cầu cũng đang đối mặt với những bước lùi lớn, khi Mỹ cắt giảm sâu nguồn tài trợ cho hoạt động này. Mỹ từng là nhà tài trợ lớn nhất cho các hoạt động rà phá bom mìn, cung cấp hơn 300 triệu USD mỗi năm, tương đương với khoảng 40% tổng số tiền tài trợ quốc tế, theo báo cáo của Landmine Monitor năm 2024.

Tháng 3 năm nay, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã khởi động lại một số chương trình và hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo toàn cầu nhưng không nêu thông tin cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Mirjana Spoljaric nhận định, người dân sẽ phải trả giá nếu nhiều quốc gia khác rút khỏi Công ước Ottawa.

"Đây không chỉ là một sự thoái lui về mặt pháp lý trên giấy tờ mà còn có nguy cơ gây nguy hiểm cho vô số sinh mạng và đảo ngược nhiều thập kỷ tiến bộ nhân đạo khó khăn mới đạt được", bà Mirjana Spoljaric nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí.

Luật chiến tranh cung cấp các rào chắn thiết yếu để bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang. Do đó, việc rút khỏi các chuẩn mực pháp lý và nhân đạo lâu đời, chẳng hạn như Công ước Ottawa, sẽ chỉ làm tăng nguy cơ gây hại cho người dân mà không cải thiện được khả năng bảo vệ của một quốc gia.

(Theo India Express, Reliefweb)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước lùi của Công ước Ottawa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.