(HNM) - Tìm cách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, trở thành chủ trang trại là một trong những nội dung được Trung ương Đoàn quan tâm, triển khai.
Thiếu cả vốn và kiến thức
Tại hội nghị chủ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc do Trung ương Đoàn tổ chức vào cuối tháng 5-2013, GS-TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, vấn đề khó đối với một bộ phận thanh niên nông thôn hiện nay là chưa tiếp cận được với những giống cây, con mới. Nếu tiếp cận được với những nguồn giống tốt thì từ những mảnh đất, thửa vườn, cộng với sức trẻ sẽ cho các hộ do thanh niên làm chủ nguồn thu nhập đáng kể. Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng chỉ ra từng loại cây ăn quả mà thanh niên có thể thâm canh ở những vùng đất đồi gò như thanh long ruột đỏ trồng thay cho cây sắn, chắc chắn giá trị thu nhập sẽ lớn hơn nhiều. Người trẻ rất năng động, có khát vọng làm giàu, vấn đề là giúp họ tiếp cận thông tin, phương pháp thâm canh từng loại cây phù hợp. Việc này, tổ chức đoàn có thể hỗ trợ thanh niên, thông qua thành lập các tủ sách, trang bị tài liệu về kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi.
Thanh niên xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gà. Ảnh: Bá Hoạt |
Ngoài thiếu thông tin, theo PGS-TS Bùi Bằng Đoàn, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, các chủ trang trại trẻ còn gặp khó khăn về vốn và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lấy ví dụ tại quê mình có nhiều hộ nông dân trồng mận, nhưng cứ được mùa lại rớt giá, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Vừ A Bằng đề xuất với Trung ương Đoàn khi thực hiện chủ trương mở rộng mô hình trang trại trẻ cần phối hợp với các cơ quan chức năng tìm đầu ra cho sản phẩm. Thêm nữa, Trung ương Đoàn cần tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình hiệu quả, giúp thanh niên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng xây dựng trang trại.
Tổ chức đoàn vào cuộc
Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc Bồ Xuân Tân cho biết, nhiều địa phương khi xây dựng mô hình điểm cho hiệu quả tốt, nông sản bán được giá, người nông dân làm ăn có lãi nhưng khi nhân rộng mô hình ra đại trà thì rơi vào thảm cảnh rớt giá, dẫn đến thua lỗ, phá sản. Bài học từ mô hình nuôi dê ở tỉnh Bắc Cạn là ví dụ. Do vậy, tổ chức đoàn cần vào cuộc, đồng hành phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ thanh niên vay vốn; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp chủ trang trại trẻ phát triển bền vững. Về phía mình, chủ trang trại trẻ cần xây dựng niềm tin cho khách hàng để bảo đảm đầu ra và phải biết "liệu cơm, gắp mắm", thăm dò thị trường, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nhằm tránh rủi ro.
Theo Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, hầu hết các chủ trang trại trẻ còn thiếu kiến thức quản lý kinh tế. Vì vậy, Ban đã tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức quản lý kinh tế trang trại và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn gắn với thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới của Trung ương Đoàn. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cũng khẳng định, phát triển, nhân rộng mô hình trang trại trẻ là cách thức đoàn kết, tập hợp thanh niên ở địa bàn nông thôn và khẳng định thêm vai trò của Đoàn trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội tổ chức tuyên dương những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, chủ trang trại tiêu biểu và thành lập các câu lạc bộ trang trại trẻ, câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Tới đây, Trung ương Đoàn sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013-2020". Mục tiêu phấn đấu mỗi năm, cơ sở đoàn hỗ trợ giúp đỡ xây dựng tối thiểu một mô hình phát triển kinh tế trang trại của thanh niên có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm/xã; tổ chức 2-5 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Trung ương Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngay trong năm 2013, Trung ương Đoàn sẽ đánh giá hiệu quả gần 1.000 tỷ đồng vốn vay qua kênh của Đoàn, trên cơ sở đó có sự điều tiết phù hợp để nhân thêm những mô hình trang trại, tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho mô hình trang trại của thanh niên, tìm đầu ra cho sản phẩm, tôn thêm vai trò của người trẻ và tổ chức đoàn trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.