Thành phố Hà Nội đã hình thành một hệ thống trang trại với nhiều loại hình, song những hạn chế về quy mô hay phát triển thiếu quy hoạch khiến kinh tế trang trại chưa phát huy được tiềm năng. Khi Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào đời sống (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), Hà Nội kỳ vọng kinh tế trang trại sẽ trở thành điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô.
Dấu ấn từ hướng đi đúng
Khởi đầu vào năm 2008, với 2ha ở phường Cự Khối, quận Long Biên, mỗi năm Nông trại hữu cơ Tuệ Viên có doanh thu hàng tỷ đồng từ sản xuất rau hữu cơ, sản phẩm chế biến từ cây lá, như: Dầu gội, nước rửa bát, nước rửa tay… Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Nông trại hữu cơ Tuệ Viên là một trong những thương hiệu rau hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội đưa vào các hệ thống siêu thị.
Cùng với các trang trại sản xuất, nhiều mô hình mới đã xuất hiện, như Khu trải nghiệm Vạn An có quy mô hơn 7ha, nằm bên triền đê sông Hồng, thuộc xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì đã phát triển thành khu du lịch nông nghiệp sinh thái. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, Khu trải nghiệm Vạn An là một mô hình trang trại thành công, hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giải quyết hiệu quả bài toán giá trị canh tác, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chí nông nghiệp xanh, sinh thái gắn với du lịch.
Sự thành công của hai trang trại nêu trên không chỉ khẳng định hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại trong điều kiện đặc thù của nông nghiệp Thủ đô, mà còn mở hướng mới là phát triển trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, kinh tế trang trại đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, nguồn vốn, cung cấp cho thị trường số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, kinh tế trang trại giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển.
Điểm tựa để phát triển
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 3.150 trang trại, doanh thu bình quân của mỗi trang trại đạt khoảng 2,2 tỷ đồng/năm. Các trang trại đã tạo việc làm cho người lao động nông thôn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế Thủ đô... Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế trang trại của Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và số trang trại hoạt động hiệu quả chưa nhiều.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy các chính sách về đất đai, khoa học, kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư, xúc tiến thương mại… để hỗ trợ các trang trại phát triển hiệu quả, đúng hướng.
Một trong những điểm tựa phát triển kinh tế trang trại được các chuyên gia nông nghiệp kỳ vọng là những đổi mới trong Luật Đất đai (sửa đổi). “Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất hay các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Đặc biệt, với việc Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông cho sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm… sẽ là những giải pháp mang tính quyết định phát triển kinh tế trang trại nói riêng và nông nghiệp Thủ đô nói chung”, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có các quy định về quy hoạch đất, đó là tiền đề để phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp. Các quy định mới này kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc vốn tồn tại lâu nay để kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp bứt phá.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:
Quy hoạch vùng bãi sông Đáy phát triển trang trại
Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị xanh gắn với du lịch, cuối năm 2023, huyện Thanh Oai đã điều chỉnh quy hoạch của huyện để trình UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, huyện tập trung phát triển du lịch sinh thái ven sông Đáy với các mô hình trang trại phù hợp.
Theo thống kê, huyện có 9 xã nằm trong vùng bãi sông sông Đáy, với tổng diện tích tự nhiên của vùng bãi sông là 721ha. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025 xác định, phát triển vùng ven sông Đáy thành không gian du lịch sinh thái, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy. Định hướng quy hoạch toàn bộ khu vực bãi bồi sông Đáy là khu vực hỗn hợp du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, kết nối tuyến du lịch đường thủy sông Đáy với du lịch làng nghề truyền thống ven sông. Huyện yêu cầu các xã trong vùng bãi sông hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã xây dựng, phát triển các mô hình trang trại xanh gắn với du lịch theo đúng quy hoạch.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng:
Đột phá trong tư duy sản xuất
Để xây dựng mô hình kinh tế trang trại thành công, cần phải đột phá trong tư duy sản xuất, dám nghĩ và dám đổi mới. Hiện tại, xã Hồng Vân đã trở thành điểm du lịch sinh thái của thành phố và khởi đầu cũng là từ trang trại du lịch sinh thái nhỏ. Theo đó, từ cuối năm 2022, Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Giai đoạn 2022-2025, xã Hồng Vân tập trung các nguồn lực đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh. Để tạo ấn tượng với du khách về điểm đến xanh, chính quyền xã Hồng Vân đã tích cực vận động nhân dân xây dựng lối sống xanh. Hệ thống hạ tầng đường thôn, xóm được nâng cấp, mở rộng và trồng cây xanh.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, chủ trang trại nuôi gà ấp trứng Ngọc Mừng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh):
Điều cốt lõi là phải có quỹ đất
Thực tế thời gian qua, trong phát triển kinh tế trang trại, thành phố có nhiều chính sách khuyến khích người dân. Nhờ chính sách cho vay vốn ưu đãi, tôi đã được vay 20 tỷ đồng và được ưu đãi về thuế, đất đai. Từ đó, trang trại của tôi đã lớn mạnh với hệ thống cơ sở sản xuất, chăn nuôi tập trung có quy mô như hiện nay, doanh thu đạt 50 tỷ đồng/năm.
Để phát triển kinh tế trang trại, điều cốt lõi là phải có quỹ đất, sau đó là nguồn vốn và tư duy sản xuất. Ngoài ra, các chủ trang trại cần đổi mới phương thức, áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Minh Huyền ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.