(HNMO) - Sáng 26-5, tại tỉnh Thái Nguyên, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức hội thảo “Hỗ trợ phát triển thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ”.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng bình quân từ 8,8 đến 9,8%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 15%/năm. Nghề thủ công mỹ nghệ đã thu hút 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, trước sức ép của thị trường, nhiều sản phẩm làng nghề Việt bị mai một, nhiều làng nghề không giữ được thương hiệu vốn có và bị đánh cắp thương hiệu. Các tồn tại, yếu kém trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang đặt ra và cần giải quyết như: Nhận thức, ý thức về xây dựng thương hiệu; thiết kế mẫu gắn với phát huy bản sắc truyền thống; liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu gắn với xúc tiến thương mại, du lịch và bảo hộ sở hữu trí tuệ… Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề có vai trò vô cùng quan trọng đối với nông nghiệp - nông thôn nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung.
Nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển thương hiệu, tại hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã giới thiệu và hướng dẫn về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý…; Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp giới thiệu các thiết kế mỹ thuật trong phát triển thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.