(HNM) - “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” là hai nghị quyết đã, đang tạo điều kiện, mở ra sự đổi thay về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tinh thần của các nghị quyết là rất rõ. Đây đơn thuần không phải chỉ là sự thu về một mối hay sáp nhập cơ học, mà chính là cơ hội để sắp xếp lại tổ chức như những bánh răng ăn khớp, dẫn truyền được nhịp nhàng sự chuyển động của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị.
Với tinh thần quyết tâm rõ rệt, các bước triển khai nghiêm túc, cẩn trọng, đến hết năm 2016, Hà Nội đã hoàn thành về cơ bản việc rà soát, kiện toàn bộ máy theo Nghị quyết 39-NQ/TƯ. Mỗi con số đơn vị sự nghiệp công lập giảm được là thành phố và các đơn vị đều nhìn thấy rõ sự gọn ghẽ hơn về bộ máy, tổ chức, sự tiết kiệm hơn về ngân sách, sự thông thoáng, bớt trùng lặp hơn về phân công nhiệm vụ… Kết quả này của Hà Nội đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, viên chức sự ghi nhận của Trung ương.
Tuy nhiên, quan trọng là từ đây, hoạt động này phải được tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn, tạo ra những thay đổi có tính bền vững.
Khó khăn là có thật, vì nhiệm vụ này động chạm đến con người. Bất cứ một sự phân công chưa hợp lý nào cũng có thể khiến người trong cuộc giảm nhiệt huyết và khả năng đóng góp sức lực, trí tuệ cho tập thể. Chưa kể, tư tưởng cá nhân nếu không nhận thức đúng, nhận thức đủ về sự thay đổi trong sắp xếp tổ chức để tự điều chỉnh mình theo kịp đòi hỏi thực tiễn, thì chính tâm tư riêng sẽ ngáng trở hành động mỗi người. Trong khi đó, bản thân yêu cầu sáp nhập lại tạo ra những tình huống khách quan ảnh hưởng đến sự phân công công tác đối với cán bộ…
Hóa giải những khó khăn đó, đòi hỏi phải nhìn thẳng vào yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho cả đơn vị. Cách làm khoa học, thấu lý đạt tình của lãnh đạo đơn vị kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền sẽ tạo nên đồng thuận cao, giúp vượt trở ngại để đạt hiệu quả.
Bản thân mỗi cán bộ, viên chức cũng có trách nhiệm thực hiện, góp phần vào sự thành công chung. Từ nhận thức mới về yêu cầu đổi mới phải biến thành quyết tâm mới trong chủ động tạo ra hành động mới.
Đặc biệt, sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương không nhằm mục tiêu gì khác ngoài tạo động lực cho đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả, giảm lãng phí về mọi mặt. Chính vì vậy, ngay trong và sau sắp xếp rất cần có những đánh giá kịp thời, cũng như ghi nhận những kết quả, điều chỉnh những hạn chế, bất cập. Trong đó có những điều chỉnh thuộc về nhiều bộ, ngành. Ví như, sự cần thiết phải ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp… trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Hơn thế, cũng cần có sự chung tay giải quyết những tình huống đặc thù như vấn đề số lượng biên chế ngành Giáo dục quá lớn, lại đang đà tăng…, khó bảo đảm chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết.
Về phía TP Hà Nội, bên cạnh sự chủ động thực hiện, đề xuất những chủ trương hiệu quả, rất cần sự tham gia tích cực, sự chung sức, chia sẻ hơn nữa của các bộ, ngành để tạo ra cơ chế phù hợp, tự chủ, tận dụng được nguồn lực, tổ chức bộ máy nhằm phát huy cao độ hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đúng như tinh thần hai nghị quyết nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.