Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa "giấc mơ" không gian xanh

Hà An| 21/08/2016 06:30

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên thông tin về việc thành phố sẽ xây dựng 5 công viên hiện đại tiêu chuẩn thế giới lại thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội và cả nước.

Thực sự, hệ thống công viên, vườn hoa ở Thủ đô chưa phát huy được vai trò của “trường học đô thị”, nơi góp phần bồi đắp kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội, hình thành lối sống ứng xử văn minh của con người hiện đại. Công viên, vườn hoa Hà Nội xưa - ký ức đẹp, nơi mang lại những bài học đầu tiên về lòng yêu thiên nhiên, sự gắn bó cộng đồng một thời nay đang có chiều hướng biến dạng công năng. Nhiều công viên, vườn hoa bị các loại hàng quán, dịch vụ chiếm dụng, khai thác trái phép, bị ô nhiễm bởi rác thải và cả những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Công viên (vườn thú) Thủ Lệ chỉ thấy sự đơn điệu khi thú nuôi bị nhốt, mặt nước quanh đi quẩn lại mấy chục năm cơ bản vẫn để khai thác trò đạp vịt… Mô hình công viên mở, hiện đại như Công viên Nghĩa Đô cũng đang chịu không ít sức ép quá tải...

Một thực tế khác, nhiều khu đô thị mới mọc lên nhưng không gian công cộng chỉ là khoảng sân nhỏ, gần như cho có. Không biết bao nhiêu trẻ đang “chơi” trên “sân ảo” của màn hình máy tính. Người già quanh quẩn ngột ngạt trong bốn bức tường đời sống đô thị. Muốn nghỉ ngơi, các gia đình chỉ biết đến các trung tâm thương mại, các điểm du lịch xa thành phố, song cũng chóng vánh, tạm thời. Hình ảnh rất nhiều thanh niên say sưa với trò chơi điện tử thực tế ảo Pokémon Go ngay tại những công viên, vườn hoa của Hà Nội càng cho thấy thế lấn át, lên ngôi của giao tiếp ảo ngay trên không gian công cộng của đời sống thực.

Rõ ràng, người Hà Nội và cả nước có quyền mơ về những công viên, vườn hoa - không gian xanh - đúng nghĩa với vai trò giáo dục, bồi đắp kiến thức, góp phần xây dựng con người.

Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công viên, vườn hoa sẽ có mặt trong cả hệ thống đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái. Riêng trong khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, vườn hoa được xây mới, cải tạo, nâng cấp. Hệ thống này cũng đa dạng hơn với nhiều hình thức từ công viên văn hóa, sức khỏe đến công viên vui chơi, giải trí, thể thao, công viên sinh thái gắn với đào tạo khoa học công nghệ… Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thực tế luôn có một khoảng cách không ngắn.

Trước mắt, để hiện thực hóa "giấc mơ" công viên, vườn hoa rất cần gắn chặt với tinh thần Chỉ thị 08 của Thành ủy ngày 26-5-2016 đã nêu về Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Như “chấn chỉnh kỷ cương trật tự xây dựng”, “giữ gìn vệ sinh môi trường”, để Thủ đô “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”… thì phải kiên quyết giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, vườn hoa; ưu tiên quỹ đất cho diện tích công cộng này. Và, trong việc cải tạo, xây mới các khu dân cư, không thể lờ đi việc xây dựng không gian sinh hoạt tập thể, vườn hoa, hạ tầng an sinh xã hội…

Cũng như vậy, để có hệ thống thiết chế công cộng này cần kêu gọi mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa, nhất là trong việc xây dựng các công viên chuyên đề, chứ không thể chỉ trông chờ vào bầu sữa ngân sách nhà nước. Như nhiều quốc gia phát triển, cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý hệ thống công viên, vườn hoa có tính liên ngành; đồng thời phân cấp quản lý cụ thể từ vùng, thành phố, tới quận và phường. Đặc biệt, bên cạnh quản lý tốt, phát huy rõ vai trò của hệ thống công viên, vườn hoa trong đời sống đô thị thì việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng quan trọng không kém. Đó chính là cách tạo ra cơ chế bảo vệ tự nhiên, bền vững của cả cộng đồng khi giấc mơ hệ thống công viên, vườn hoa cho thành phố trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa "giấc mơ" không gian xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.