UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân, giai đoạn 2024-2028”.
Giới thiệu mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” ở xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Sơn Tùng
Đề án triển khai tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2028, 100% Hội Nông dân cấp xã xây dựng được ít nhất 1 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó có 50% số xã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Giai đoạn 2025-2028, tổ chức 170 lớp tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn cho 25.500 hội viên nông dân về các nội dung trên; 80% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ký cam kết thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cây trồng và xử lý môi trường chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
UBND thành phố giao Hội Nông dân thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước, không trùng lặp với các nội dung, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án theo thẩm quyền.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng mô hình về xử lý phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn của Hội Nông dân thành phố.
UBND các huyện, thị xã căn cứ vào nội dung của Đề án và điều kiện thực tế của địa phương, chủ động bố trí nguồn ngân sách cấp huyện và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện theo phân công và phân cấp quản lý…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.