Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy bắt đầu từ thay đổi thói quen

Lâm Vũ| 27/10/2012 07:53

(HNM) - Điều tra xã hội học cho thấy các phong tục và nghi lễ truyền thống trong việc cưới, việc tang thời kỳ đổi mới có xu hướng phục hồi mạnh mẽ.

Theo kết quả khảo sát, các nghi lễ cưới xin truyền thống vẫn được tiếp tục duy trì ở những mức độ khác nhau, cao nhất là lễ cưới (99,3% số người được hỏi trả lời bắt buộc phải tổ chức nghi lễ này), tiếp theo là lễ ăn hỏi (86,9%), lễ xin dâu (77,7%), lễ dạm ngõ (69,8%), lễ lại mặt (2,1%). Những người trẻ quan tâm nhiều hơn tới việc thực hiện đủ các nghi lễ, ví dụ, 80,3% người dưới 40 tuổi thực hiện lễ dạm ngõ còn chỉ 74,4% người 41-50 tuổi thực hiện nghi lễ này, tỷ lệ này ở nhóm người 51-60 tuổi là 63,3%, 61 tuổi trở lên là 51,4% người. Theo PGS, TS Lê Ngọc Văn (Viện Gia đình và Giới), do kinh tế phát triển nên người ta có điều kiện để tổ chức cưới xin đàng hoàng hơn, và đi kèm với nó, các nghi lễ cũng được chú trọng nhiều hơn về hình thức.


Một đám cưới trang trọng, lịch sự và tiết kiệm tại quận Hà Đông. Ảnh:Tào Ngọc

Cũng theo kết quả cuộc điều tra, tiệc mặn là hình thức phổ biến của đám cưới, chiếm 84%. Tiệc ngọt chỉ chiếm 10%, tiệc trà 5%, các hình thức khác như báo hỷ, đăng ký kết hôn không tổ chức đám cưới hầu như không có. Đám cưới có xu hướng được tổ chức to hơn, đặc biệt là hình thức tiệc mặn. Có người tâm sự với cán bộ điều tra là, ở quê chị, một vùng xa của Hà Nội, nhà nào ít cũng 70 mâm, to thì 200, 300 mâm. Chị nói, "cái nổi cộm hiện nay vẫn là tổ chức cỗ to. Con gà tức nhau tiếng gáy, người ta đua nhau bất chấp hoàn cảnh kinh tế. Nhà giàu chi bạc trăm, bạc tỷ cho một đám cưới, nhà nghèo không có cũng phải cố theo lấy 7, 8 phần. Nhà chị tôi cưới cho con xong trả nợ 10 năm chưa hết".

Việc tang có nhiều biến chuyển

Các phong tục và nghi lễ đưa tang truyền thống được các nhóm xã hội thực hiện với tỷ lệ cao. Các phong tục và nghi lễ mời ban nhạc, lễ nhập quan, lễ phát tang, đọc điếu văn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phong tục và nghi lễ đưa tang (từ 86,7% đến 99,3%). Nhóm nội thành và nhóm hộ khá giả thực hiện các nghi lễ đưa tang đầy đủ hơn nhóm xa nội thành và nhóm hộ nghèo. Nghi lễ "mời sư tụng kinh" vốn không phổ biến trong thời kỳ bao cấp thì nay chiếm tới 72,5% trong các đám tang ở nội thành. Về phong tục và nghi lễ sau khi đưa tang, không phân biệt nơi cư trú, giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh kinh tế, các lễ cúng sau đám tang được các gia đình ở Hà Nội thực hiện với tỷ lệ rất cao: gần 100% gia đình thực hiện các lễ cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, một số phong tục tang ma không còn phù hợp, trong đó có tục ăn uống đã giảm đi đáng kể. Một cán bộ xã cho biết: "Hiện nay, ở chỗ chúng tôi, tục ăn uống không còn. Trước đây, nhà có đám là phải mổ lợn, mổ gà, bao giờ đưa người mất ra đồng thì mới thôi. Bây giờ đơn giản hơn nhiều, khách đến thì chỉ phúng viếng thôi chứ không ăn uống". Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã chấp nhận hình thức hỏa táng tuy đang còn có ý kiến tranh luận.

Thực trạng có được từ một cuộc điều tra xã hội học cũng như thực tế cho thấy, các nghi lễ và phong tục có sức sống mãnh liệt trong đời sống xã hội. Điều này cũng đem đến sự lãng phí về thời gian và tiền bạc. Nó cũng cho thấy, cuộc vận động xây dựng các chuẩn mực văn hóa trong việc cưới ở Hà Nội trong nhiều năm qua không đạt được kết quả như mong muốn. Có nhiều lý do, nhưng như TS Lê Ngọc Văn phân tích, những người thực hiện các tập tục đó nhiều khi không thật sự hiểu về ý nghĩa của nó và đơn thuần chỉ là hành vi bắt chước, làm theo tâm lý đám đông. Vì vậy muốn thay đổi thói quen văn hóa, cần tuyên truyền, giáo dục để người dân thấy rõ ý nghĩa của các hành vi văn hóa. Từ đó, họ sẽ chọn lọc những tập tục văn hóa truyền thống nào nên giữ lại và cái gì cần thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy bắt đầu từ thay đổi thói quen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.