Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần xây dựng nếp sống văn minh

Bạch Thanh - Quỳnh Dung - Nguyễn Mai| 18/12/2022 08:28

(HNNN) - Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, tỷ lệ hỏa táng ngày càng cao, cho thấy sự thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực của người dân. Tuy nhiên, để có được kết quả bền vững về lâu dài, cần có cách tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Hà Nội Ngày nay xin gửi tới bạn đọc một số ý kiến về vấn đề này.

Quang cảnh xanh - sạch - đẹp của Công viên Vĩnh hằng (Ba Vì).

Tiến sĩ Phạm Thị Thảo, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội:
Sự lựa chọn phù hợp

Phật giáo quan niệm, sinh - tử là quy luật luân hồi, chúng ta chết là lại bắt đầu một kiếp lai sinh mới, nên hỏa táng là hình thức phù hợp nhất cho kiếp lai sinh đó được sớm bắt đầu. Ngoài ra, Phật giáo còn dạy rằng “Sinh bất hiếu thân, tử tế vô ích”, nghĩa là: Khi cha mẹ còn sống không có hiếu thì khi cha mẹ mất rồi con cái có cúng tế linh đình cũng vô ích.

Như vậy, Phật giáo chủ trương con cái cần chăm sóc, báo hiếu cha mẹ ở hiện tiền, chứ không phải sự trưng bày phô trương đình đám sau khi cha mẹ đã mất. Việc thờ cúng đình đám sau khi mất không liên quan đến việc phù hộ độ trì như chúng ta thường quan niệm, mà thực chất, sau khi mất, thân xác con người đã hòa vào cùng vũ trụ. Vì thế, Phật giáo chủ trương hỏa táng là sự lựa chọn phù hợp cho con người sau khi chết.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Xuyên Bùi Thị Ngọc Lan:
Cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ

Từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 07/2012/QĐ-UBND quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tròn 10 năm thực hiện, riêng với việc tang đã có những chuyển biến rõ nét.

Kinh nghiệm ở Phú Xuyên cho thấy, địa phương đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như lồng ghép nội dung tang văn minh trong các buổi hội họp, sinh hoạt tập thể; bổ sung nội dung thực hiện tang văn minh vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố và tuyên truyền nội dung này trên hệ thống truyền thanh huyện và qua các hình thức trực quan, lưu động. Đồng thời, chúng tôi tổ chức hội nghị tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tăng văn minh tại cơ sở, mời nhà sư nói chuyện về tang văn minh, tiến bộ.

Đối với những thôn, xóm, thị trấn... làm tốt công tác này, chúng tôi có hình thức khen thưởng, khích lệ kịp thời. Còn đối với những đơn vị thực hiện chưa tốt thì tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, góp ý, trao đổi để tìm ra nguyên nhân, hình thành giải pháp. Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với Hội Người cao tuổi và các tổ chức chính trị - xã hội khác tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền về thực hiện tang văn minh, tiến bộ cho các đơn vị có tỷ lệ hỏa táng dưới 40%, qua đó từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc tang văn minh, tiến bộ.

Ở đâu chính quyền địa phương, các hội đoàn thể tích cực vào cuộc, cùng chung tay lo việc hậu sự với các gia đình thì ở đó không chỉ tình làng nghĩa xóm được bền chặt mà việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách cũng rất thuận lợi.

Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm:
Kiên trì tuyên truyền, vận động

Trong khi tỷ lệ hỏa táng ở nhiều xã xung quanh đã đạt tới 80% - 90% thì xã Hạ Mỗ năm cao nhất mới được hơn 60%. Ngay cả trong cùng một thôn, cũng có xóm làm tốt, xóm chưa làm tốt. Nhiều gia đình có người thân mất vì bệnh nan y, nhưng vẫn hung táng khiến bà con lối xóm bằng mặt nhưng không bằng lòng, ngại nên không muốn chia sẻ hay góp ý thẳng thắn. Để việc thực hiện tang văn minh đi vào đời sống của mọi gia đình một cách trọn vẹn nhất thì cần sự nỗ lực, kiên trì trong tuyên truyền, vận động, không chỉ ở khâu hỏa táng mà cả trong việc xóa bỏ hủ tục. Hiện tượng rải tiền, vàng mã ra đường đã giảm rất nhiều so với những năm trước đây, nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt; việc đốt vàng mã vẫn còn khá phổ biến ở một số lễ tục như cúng 3 ngày, cúng tuần, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu...

Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền bằng việc xây dựng các chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể, chúng tôi sẽ phân công rõ trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị; duy trì kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở. Địa phương cũng sẽ tích cực tổ chức học tập kinh nghiệm từ các xã ở xung quanh. Hy vọng trong thời gian tới Hạ Mỗ sẽ trở thành điểm sáng trong việc thực hiện tang văn minh.

Ông Phan Hữu Đăng (Đài hóa thân hoàn vũ Công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì): 
Thủ tục hỏa táng thuận tiện, nhanh gọn

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc sử dụng dịch vụ hỏa táng thông thường, ngày càng có nhiều ca hỏa táng “đặc biệt” - liên quan tới những thi thể không “hóa hết” sau thời gian gian dài hung táng. Đây là dịch vụ phát sinh mà những ngày đầu bắt tay vào công việc này chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Các gia đình rơi vào hoàn cảnh này đều không an lòng, thậm chí bị ám ảnh và đều cho rằng, nếu được lựa chọn lại ngay từ đầu, họ sẽ chọn hỏa táng và thực hiện các nghi thức văn minh.

Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ, khuyến khích của Thành phố và các địa phương, việc thực hiện hỏa táng diễn ra thuận lợi ở mọi khâu. Về vấn đề kinh phí hỏa táng, như ở Đài hóa thân hoàn vũ Công viên Vĩnh Hằng, giá dịch vụ là 5 triệu đồng/ca. Trong khi đó, Thành phố đã có chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/ca, các gia đình chỉ còn phải chi trả đơn vị dịch vụ 1 triệu đồng. Ngoài chính sách của thành phố, một số địa phương có chính sách hỗ trợ thêm từ 1 - 2 triệu đồng. Đến nay, nhiều huyện đã hỗ trợ trực tiếp đối với đơn vị thực hiện dịch vụ hỏa táng, và người dân được tính trừ phí dịch vụ trực tiếp nên không mất thời gian, công sức làm các thủ tục thanh toán. Đặc biệt, các nghi lễ đối với người quá cố cũng được các đơn vị hỏa táng thực hiện trang nghiêm, chu đáo, không gian tang lễ hướng tới sự văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần xây dựng nếp sống văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.