Cuộc tuần hành do các đảng đối lập và các nhóm xã hội dân sự tổ chức, với thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ.
Biểu tình tại Haiti. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 9-6, hàng nghìn người dân Haiti đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Port-au-Prince để yêu cầu Tổng thống nước này Jovenel Moise từ chức liên quan tới các cáo buộc về hành vi tham ô.
Cuộc tuần hành do các đảng đối lập và các nhóm xã hội dân sự tổ chức, với thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ. Dẫn đầu đoàn người tuần hành qua khắp các khu phố ở trung tâm Port-au-Prince là hàng chục người đi xe máy. Cảnh sát đã được tăng cường triển khai làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nhiều người quá khích đã dựng các hàng rào bằng lốp xe bị đốt cháy nhằm phong tỏa đường phố và phóng hỏa ít nhất 2 tòa nhà gần trụ sở cảnh sát. Đụng độ cũng đã xảy ra gần Phủ Tổng thống Haiti nhưng chưa có báo cáo về thương tích.
Hồi tuần trước, các thẩm phán tại Tòa án Kiểm toán cấp cao công bố báo cáo cho biết, Tổng thống Moise có liên quan tới một "kế hoạch tham ô" bị cho là đã bòn rút các khoản tiền viện trợ mà Venezuela cấp cho Haiti để sửa chữa đường bộ.
Chương trình viện trợ Petrocaribe của Venezuela đã ít nhiều bị ảnh hưởng do các cáo buộc tham nhũng kể từ khi được thành lập vào năm 2008. Báo cáo trên đã nêu hàng loạt ví dụ về tham nhũng và sai phạm trong quản lý.
Đơn cử, vào năm 2014, nhà chức trách Haiti đã ký các hợp đồng với 2 công ty khác nhau - Agritrans và Betexs - cho cùng một dự án sửa chữa, nâng cấp đường bộ. Hai công ty này bị phát hiện có cùng một số đăng ký thuế và cùng một đội ngũ nhân sự.
Ông Moise, trước khi nhậm chức Tổng thống Haiti vào năm 2017, là người đứng đầu Công ty Agritrans. Công ty này đã được cấp khoảng 700.000 USD để thực hiện dự án sửa chữa đường. Vụ bê bối tham nhũng tại Petrocaribe đã dẫn tới các cuộc điều tra của Quốc hội Haiti trong năm 2016 và 2017.
Trong khi đó, những cuộc biểu tình chống Chính phủ cũng đã buộc Tòa án Kiểm toán cấp cao Haiti phải tìm hiểu xem khoản tiền 1,6 tỷ USD viện trợ của Venezuela được nhà chức trách Haiti sử dụng vào mục đích gì.
Hồi tháng 2 vừa qua, biểu tình cũng đã nổ ra trên nhiều thành phố khắp Haiti đòi Tổng thống Moise từ chức, bất chấp những biện pháp kinh tế mà chính quyền nước này đưa ra nhằm giảm các chi phí công và thâm hụt tài chính. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực này.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi Quốc hội Haiti hồi tháng 3 quyết định bãi nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Jean Henry Ceant.
Ngày 9-4, Tổng thống Moise khẳng định ông Jean-Michel Lapin, người từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Haiti, sẽ giữ chức vụ Thủ tướng của nước này. Ông Lapin đã là Thủ tướng thứ 3 trong 2 năm cầm quyền của Tổng thống Moise.
Các diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Haiti đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với tỷ lệ lạm phát ở mức trên 17%, đồng nội tệ mất giá trong khi nhiều người dân thiếu nhu yếu phẩm cơ bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.