(HNM) - Chiều 11-8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo: “Hiện trạng và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố” nhằm công bố hiện trạng và tham vấn giải pháp về xử lý rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch...
Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, mỗi năm TP Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642 nghìn tấn (chiếm 59%). Mỗi năm thành phố đang đốt bỏ khoảng 296 nghìn tấn rơm rạ (chiếm 36% tổng lượng rơm rạ phát sinh); việc tận dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, đun nấu, trồng nấm, làm phân bón... còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng lộ trình ngay trong năm 2017 triển khai mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” thí điểm tại một số địa phương; năm 2018 lan tỏa thành “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019, sẽ tăng cấp độ lên “Quận, huyện không đốt rơm rạ” và đến 2020 sẽ là “Thành phố không đốt rơm rạ”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua rơm rạ làm thức ăn gia súc, trồng nấm, viên đốt, phân bón vi sinh, thủ công mỹ nghệ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.