(HNM) - Mục tiêu của thành phố Hà Nội là đến ngày 1-1-2021 chấm dứt việc đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến nay bất cập này vẫn chưa được xử lý hiệu quả, thậm chí một số huyện có biểu hiện “nhờn” chỉ thị, để tình trạng đốt rơm rạ tràn lan trên đồng ruộng, gây bức xúc trong dư luận.
Tỷ lệ đốt rơm rạ ở một số địa phương cao
Ngày 18-9-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tập trung đôn đốc, giám sát tại 19 quận, huyện có diện tích đất trồng lúa để tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Ngoài ra, hằng năm các sở, ngành triển khai nhiều phương án, giải pháp hỗ trợ, ngăn chặn…, song tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra tràn lan.
Thực tế, năm 2022, các địa phương của Hà Nội sản xuất 168-170 nghìn héc ta lúa. Tỷ lệ thuận với diện tích lúa là phát sinh số lượng lớn rơm rạ, khoảng 830 nghìn tấn/năm. Trong đó, người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm 20%, làm thức ăn chăn nuôi gia súc 10%, phân hữu cơ 50%, sử dụng vào mục đích khác 5-8%, còn lại 12-15% đốt tại ruộng.
Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) năm 2022 cho thấy, toàn thành phố vẫn có tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch là 11,47%. Đáng chú ý, một số huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, như: Quốc Oai 45,4%, Hoài Đức 34,5%, Phúc Thọ 33%, Sóc Sơn 29,5%, Gia Lâm hơn 25%. Các huyện Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì tỷ lệ đốt rơm rạ từ 7 đến 15%...
Tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân và chủ yếu vẫn là nông dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu hằng ngày. Mặt khác, thời vụ làm đất cho vụ gieo trồng kế tiếp ngắn, rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy được ngay. Do đó, để thuận lợi cho việc làm đất, người dân đốt tại ruộng để diệt sâu bọ và lấy tro bón cho vụ sau...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, phát thải từ việc đốt rơm rạ năm 2022 ở Hà Nội là 728 tấn bụi mịn PM2.5, khoảng 7.200 tấn CO và 94.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất, bụi mịn PM2.5 là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. Ngoài ra, việc người dân khu vực các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh đốt rơm rạ còn gây ảnh hưởng đến khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, cản trở tầm nhìn của phi công khi cất, hạ cánh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bay.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Đức Hải ở quận Tây Hồ kể: “Tôi làm lái xe taxi nên nhiều lần chứng kiến cảnh khói bụi gần sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là thực tế đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến an toàn hàng không nên cần được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt”.
Còn anh Đỗ Tiến Trung ở quận Ba Đình bức xúc: “Mỗi khi người dân đốt rơm rạ, khói, bụi khuếch tán vào nội đô rất ngột ngạt. Chúng tôi mong các sở, ngành thành phố và các huyện có giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe người dân”.
Cần chấm dứt đốt rơm rạ trên đồng ruộng
Trước những yêu cầu về giải pháp triệt để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho biết, hoạt động đốt rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng không khí. Do đó, cần sự thay đổi tư duy của các cơ quan chức năng, nhà quản lý môi trường về vai trò của rơm rạ. Hoạt động đốt rơm rạ tự phát là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhưng nếu được đốt có kiểm soát, kiểm soát được các chất ô nhiễm phát sinh, còn có thể tận dụng nhiệt lượng và tro để quay trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Rơm rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả rơm rạ, có thể biến rơm rạ thành nguồn nguyên liệu mới như làm phân bón hữu cơ, phân bón nhả chậm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay trồng nấm… Khi đó, sẽ trở thành một yếu tố quan trọng của vòng kinh tế tuần hoàn, mang lại sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp nước nhà. Điển hình như mô hình thu gom, ép rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi gia súc hay mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ ở các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn; mô hình trồng nấm ở Đông Anh…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, Sở chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường giám sát, kiểm kê nguồn thải phát sinh từ việc đốt rơm rạ, làm cơ sở khoa học để xây dựng chính sách quản lý. Với một số địa phương có tỷ lệ đốt rơm rạ cao là Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm…, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu người đứng đầu địa phương cam kết chấm dứt việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng.
“Chỉ khi nhận thức được vai trò, ý nghĩa của rơm rạ, chính quyền địa phương mới có thể dành sự quan tâm, tập trung nguồn lực cho các biện pháp xử lý rơm rạ thay thế bền vững. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện kiểm soát và giám sát hoạt động đốt rơm rạ lẫn nhau, tiến tới thực hiện mục tiêu thành phố không đốt rơm rạ mà Chỉ thị số 15/CT-UBND của thành phố đã đưa ra”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.