(HNMO) - Chiều 28-2, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình điểm “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” và “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”.
Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” do UBND thành phố phê duyệt, từ tháng 10-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo điểm mô hình “Phụ nữ tham tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” và “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” tại 10 huyện.
Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” được thí điểm tại 5 xã thuộc 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức và Quốc Oai, với sự tham gia của 125 hộ. Tính đến nay, đã có 16/18 huyện, thị xã đã chủ động triển khai và nhân rộng thêm mô hình tại 102 xã với sự tham gia của 38.289 hộ dân.
Mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” được triển khai thí điểm tại 9 xã thuộc 5 huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì; tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch và xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ cho hơn 2.500 hộ làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, 244 hộ gia đình hội viên phụ nữ được hướng dẫn cách làm men rơm IMO và xử lý ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ. Đến nay, đã có 33 chi hội thực hiện mô hình.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình có một số hạn chế, khó khăn. Số chi hội, hộ gia đình tham gia còn hạn chế; việc triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn chưa được đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa tổ chức Hội các cấp và chính quyền cơ sở…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương hoan nghênh các đơn vị làm điểm đã chủ động vào cuộc tích cực, triển khai thực hiện nghiêm túc, bước đầu có hiệu quả mô hình, được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân dân hưởng ứng tham gia.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương đề nghị, Hội Liên hiệp phụ nữ 18 huyện, thị xã nghiên cứu kỹ đề án, tham mưu UBND các huyện, thị xã ban hành kế hoạch thực hiện đề án; chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; tập trung tuyên truyền để phụ nữ hiểu được lợi ích của mô hình, góp phần thay đổi thói quen, phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.