(HNM) - Hà Nội bước vào thu hoạch lúa mùa, trên các xứ đồng, tình trạng đốt rơm rạ lại tái diễn khiến khói bụi mù mịt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí, mất an toàn giao thông... Những năm qua, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, nhưng kết quả không như mong muốn. Vậy, đâu là giải pháp xử lý tình trạng này?
Đến hẹn lại lên
Ngày 14-10, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên các xứ đồng ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho thấy tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra. Tại xã Đại Đồng, Lại Thượng (huyện Thạch Thất), gốc rạ cháy đen mặt ruộng; ở các xã Yên Sơn, Sài Sơn (huyện Quốc Oai) rơm rạ được chất thành đống rồi đốt, khói bốc lên nghi ngút kín một vùng...
Đặc biệt, việc đốt rơm rạ ở cánh đồng các xã: Thanh Xuân, Phù Lỗ, Mai Đình (huyện Sóc Sơn) - khu vực gần sân bay Nội Bài đã ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm tầm nhìn của máy bay. Vì thế, nhiều vụ thu hoạch trước, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đều gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để không ảnh hưởng đến an toàn hàng không.
Không chỉ xảy ra ở vụ mùa, tình trạng đốt rơm rạ cũng diễn ra ở cả vụ xuân 2022. Theo kết quả kiểm kê phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ thuộc Dự án “Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố: Vụ xuân năm 2022, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố là 85.188ha, tương ứng với khối lượng rơm rạ khô người dân bỏ lại khoảng 402.930 tấn. Trong đó, các huyện có khối lượng rơm rạ phát sinh lớn là: Sóc Sơn 42.000 tấn, Ứng Hòa 41.000 tấn, Chương Mỹ 40.000 tấn, Mỹ Đức 38.000 tấn…
Tiến sĩ Dương Ngọc Bách, Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Hoài Đức, Gia Lâm có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, từ 25 đến 45%; các huyện Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì từ 7 đến 15%... Đáng chú ý, tổng lượng bụi phát sinh do hoạt động đốt rơm rạ gây ra trên địa bàn thành phố là hơn 335 tấn, chủ yếu là bụi mịn PM2.5 và phát tán vào cả khu vực nội thành.
Bà Đào Thị Anh Điệp - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên là do lãnh đạo các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chưa giám sát chặt chẽ và chế tài xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đốt rơm rạ chưa rõ ràng. Trong khi đó, với khối lượng rơm rạ quá lớn, người dân lại không có nhu cầu sử dụng và cũng chưa có cách thức xử lý hiệu quả nên mới dùng “hạ sách” là đốt bỏ.
Rõ trách nhiệm, xử lý dứt điểm
Để kiểm soát hoạt động đốt rơm rạ, ngày 18-9-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường thành phố. Chỉ thị nêu rõ: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm từ ngày 1-1-2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ...
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn, cụ thể hóa chỉ thị của thành phố, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn và đã tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm... Còn tại huyện Quốc Oai, đầu mỗi vụ thu hoạch, huyện đều yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đốt rơm rạ; trong đó nhấn mạnh về mức xử phạt vi phạm hành chính 2,5-3 triệu đồng (Khoản 1, Điều 41, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ)…
Một số địa phương như Mê Linh, Đan Phượng, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất… đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ làm phân vi sinh, thu gom làm thức ăn cho gia súc…, nhưng khối lượng và quy mô xử lý không nhiều.
Để hạn chế tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND, trong đó tập trung tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật thay thế...
“Từ ngày 17 đến 22-10, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các quận, huyện, thị xã nhằm kiểm kê nguồn thải, đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ, làm cơ sở khoa học để xây dựng chính sách quản lý. Đặc biệt, với các địa phương có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, Sở yêu cầu ký cam kết và xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể; đồng thời đề nghị các huyện, thị xã có hình thức kỷ luật chủ tịch UBND xã, thị trấn để tái phạm nhiều lần tình trạng đốt rơm rạ…” - ông Mai Trọng Thái cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.