(HNMO) - Thành phố đặt mục tiêu: tối thiểu 80% người sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Ảnh minh họa |
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018.
Theo đó, thành phố sẽ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 13.265 người, nghề phi nông nghiệp cho 10.735 người.
Thời gian đào tạo dưới 3 tháng. Người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/ngày thực học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Danh mục nghề đào tạo gồm 33 nghề, trong đó có 17 nghề phi nông nghiệp và 16 nghề nông nghiệp.
Cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, thành phố ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề; không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên là 70,3 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó 70 tỷ đồng dành để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và 300 triệu đồng phục vụ cho công tác tuyên truyền, hoạt động điều hành, kiểm tra, giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.