Lao động - Việc làm

Đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Nâng chất để... tăng lượng

Minh Vũ 18/03/2024 - 07:55

Học nghề là giải pháp quan trọng để người bị mất việc làm, hưởng bảo hiểm thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhằm mang lại lợi ích cho nhiều phía, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiến hành hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này theo hướng nâng chất để tăng lượng.

day-nghe.jpg
Người lao động học nghề pha chế đồ uống theo chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Số lượng ngày càng giảm

Theo quy định, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động bị mất việc làm được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm trong thời gian chờ tìm việc mới, hoặc có thể lựa chọn quyền được hỗ trợ đào tạo nghề để có thể sớm tìm việc làm mới. Tuy nhiên, thực tế, đa số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp đều lựa chọn nhận tiền trợ cấp hằng tháng.

Đến sàn giao dịch việc làm số 144 đường Trần Phú (quận Hà Đông) làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp vào ngày 15-3, chị Nguyễn Thị Liên (trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông) cho biết: “Tại đây, tôi được tư vấn học nghề rất kỹ lưỡng, nhưng vẫn quyết định nhận tiền trợ cấp để trang trải cho những khó khăn trước mắt”. Còn anh Lê Trung Hậu (trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) bày tỏ: “Tôi muốn học nghề sửa chữa xe máy, nhưng nghề này ít người đăng ký học, phải chờ đợi lâu. Vì thế, tôi đăng ký nhận tiền và tự đi học”.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2023 toàn thành phố chỉ có 534 người chọn học nghề trong tổng số 81.898 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bằng 0,65%. Nếu so với năm 2022, số người lựa chọn học nghề giảm 54,71%. Còn những tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng cũng chỉ có gần 50 người lựa chọn học nghề trong tổng số khoảng 5.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Từ thực tế triển khai chính sách, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu cho hay, số người lao động lựa chọn học nghề ngày càng giảm do nhiều nguyên nhân. Dễ nhận thấy là khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính. Hơn nữa, nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...

Thu hút người học bằng chất lượng đào tạo

Trong bối cảnh thị trường việc làm xuất hiện ngày càng nhiều vị trí công việc đòi hỏi người lao động cần có kỹ năng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hướng đi đúng. Trường hợp học viên Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1981), hiện là chủ cửa hàng bán đồ uống tại số nhà 102 C9, khu tập thể Kim Liên, phường Phương Mai (quận Đống Đa) là ví dụ điển hình.

“Cuối năm 2022, tôi thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau hơn 20 năm làm việc. Khi làm thủ tục hưởng trợ cấp, tôi quyết định tìm cơ hội mới nên đăng ký học nghề pha chế đồ uống với khóa học trong 3 tháng. Sau đó, tôi có công việc phù hợp và ổn định”, chị Hương chia sẻ.

Nhằm mang lại lợi ích cho nhiều phía, trực tiếp là người lao động, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề bằng chất lượng đào tạo. “Chúng tôi chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu khẳng định.

Nhiều đơn vị đào tạo nghề cũng đã đổi mới việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này theo hướng không chờ đủ số lượng học viên mới mở lớp, thay vào đó, người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được sắp xếp học từng phần tại các lớp sẵn có. Trong quá trình học, họ được ưu tiên đi thực hành tại doanh nghiệp, giới thiệu việc làm.

Chẳng hạn, tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hiệu trưởng Tạ Văn Xã cho hay: “Với nhiều ngành nghề, nhất là các nghề cơ khí, nhà trường bảo đảm 100% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Những người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cũng sẽ được nhà trường kết nối”.

Giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử cán bộ trực tiếp đến các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Phương án tăng mức hỗ trợ đào tạo cho học viên cũng được các cơ quan chức năng tính đến và đề xuất UBND thành phố Hà Nội sớm triển khai...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Nâng chất để... tăng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.