Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, huyện Mỹ Đức đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề theo nhu cầu và gắn với giải quyết việc làm.
Trong đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp theo nhu cầu của nông dân; hợp tác đào tạo nghề phi nông nghiệp phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động trong tình hình mới.
Tổ chức 373 lớp đào tạo nghề
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn trồng cây ăn quả rộng khoảng 2.000m2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Trung ở xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cho biết, khi nghe tin xã phối hợp với huyện mở lớp dạy nghề nông nghiệp, ông và một số người trong xã đã đăng ký theo học. Ngay sau khi hoàn thành khóa học, ông quyết định cải tạo 2.000m2 vườn tạp sang trồng các loại cây: Mít, cam, ổi... Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nên các loại cây ăn quả trong vườn phát triển tốt. Theo ông Nguyễn Văn Trung, tham gia lớp học nghề mới biết, nếu làm đúng quy trình, nông dân sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất, giá trị nông sản...
Còn ông Trần Văn Thành ở xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) chia sẻ, ngoài gieo cấy lúa, gia đình ông nuôi 50-100 con gà mỗi lứa để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm chăn nuôi và phòng bệnh nên đàn gà hay bị bệnh, nhất là lúc giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Có thời điểm gà chết hàng loạt khiến gia đình bị thiệt hại nặng. Chính vì vậy, ông đã đăng ký tham gia khóa học nông nghiệp với mong muốn có thêm kiến thức về vệ sinh chuồng trại, dinh dưỡng, phòng, trị bệnh... giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, nông dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức), sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, gia đình đã cải tạo mảnh đất vườn để trồng rau theo quy trình. Nhờ đó, gia đình vừa có rau sạch ăn hằng ngày, vừa bán ra thị trường mang về thu nhập, góp phần trang trải những nhu cầu thiết yếu cho gia đình. “Do lớp học được mở tại xã, không phải đi xa, nên tôi tham gia đầy đủ. Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã có chính sách rất nhân văn, giúp nông dân có thêm sinh kế để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Hằng nói.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Nguyễn Quang Đường cho hay, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tổ chức 373 lớp đào tạo nghề cho 12.832 lượt lao động với các ngành nghề: May thêu, trồng trọt, chăn nuôi, mây giang đan, sửa chữa đồ gia dụng... Số lao động có việc làm sau khi học nghề là 11.228 người.
Cùng với việc đào tạo nghề, huyện đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm cho nông dân. Tính riêng năm 2023, huyện Mỹ Đức đã tạo việc làm cho 3.015 lao động. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 65,8 triệu đồng/người/năm, tăng 55,5 triệu đồng so với năm 2010. Đây là kết quả quan trọng để Mỹ Đức hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới trước kế hoạch.
Tăng cường hợp tác đào tạo nghề
Đánh giá về công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho rằng, dù có nhiều cố gắng song vẫn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở địa phương, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao. “Thực tế hiện nay, đội ngũ lao động vẫn còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng xã hội, như: Tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp...”, ông Đặng Văn Cảnh nói.
Nâng cao hiệu quả công tác này, huyện Mỹ Đức đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường hợp tác, đổi mới công tác đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, phục vụ công tác chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại, công nghiệp...
Thực hiện chỉ đạo trên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Đức Vương Văn Chính cho biết, Trung tâm đã liên kết với các trường nghề trên địa bàn thành phố tuyển sinh chương trình học văn hóa kết hợp với học nghề dành cho học sinh. Năm học 2023-2024, Trung tâm đang đào tạo 750 học viên với các nghề: Chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn, điện tử - điện lạnh, dịch vụ du lịch, thương mại điện tử, kế toán doanh nghiệp...
Làm việc với Huyện ủy Mỹ Đức về công tác đào tạo nghề trong ngày 5-3 vừa qua, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh chia sẻ, nhà trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Mục tiêu của nhà trường là tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao; tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, đào tạo gắn kết với việc làm...
“Nhà trường cam kết 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra (bảo đảm kiến thức, kỹ năng và thái độ theo yêu cầu của chương trình đào tạo) sẽ được bố trí việc làm với mức thu nhập 10-50 triệu đồng/người/tháng. Cam kết này được cụ thể hóa bằng hợp đồng đào tạo khi sinh viên nhập học”, ông Phạm Xuân Khánh thông tin. Tại buổi làm việc này, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã tặng 50 suất học bổng và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nghề với huyện Mỹ Đức.
Tích cực thực hiện chủ trương và các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm nêu trên đã và đang từng bước giúp Mỹ Đức chuyển dịch lao động một cách hợp lý. Kết quả này hứa hẹn giúp huyện Mỹ Đức hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.