(HNM) - Trong khi vụ
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu tại Mexico hồi tháng 2.2017 |
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước bùng phát bắt đầu từ quyết định của Hà Lan không cho phép máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống TP Rotterdam hôm 11-3, để tham dự một buổi mít tinh nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Chiếc phi cơ chở người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chuyển hướng sang TP Metz (Pháp), nơi ông Cavusoglu đã tham gia một sự kiện tương tự. Ngay ngày hôm sau, đến lượt đoàn xe của Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya xuất phát từ Dusseldorf (Đức) cũng bị cảnh sát Hà Lan áp giải quay về Đức khi chỉ còn cách Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam khoảng 30m. Nhà chức trách Hà Lan khẳng định, vị quan chức này đã cố tìm đường vào Hà Lan bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý từ Amsterdam. Trong khi đó, theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nước này đã có thông báo trước về việc không hoan nghênh hai Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Rotterdam để vận động cho cuộc trưng cầu trên.
Trong một phản ứng trước quyết định của Hà Lan, Tổng thống R.Erdogan đã nặng lời chỉ trích khi gọi đây là hành động mang đậm tư tưởng phát xít và tuyên bố sẽ có hình thức trả đũa tương xứng. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cảnh báo Amsterdam sẽ nhận hậu quả nặng nề “về ngoại giao, chính trị và kinh tế”, đồng thời tuyên bố Hà Lan là “thủ đô của chủ nghĩa phát xít”. Sự bất đồng ở cấp độ đối ngoại đã ảnh hưởng tới tâm lý dân chúng. Hàng nghìn người đã tập trung biểu tình phản đối trong nhiều giờ liền trước các cơ quan đại diện ngoại giao Hà Lan tại cả Istanbul và Rotterdam, hạ cờ của Hà Lan tại Lãnh sự quán tại Istanbul và thay vào đó là cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng bất ngờ phong tỏa Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hà Lan với lý do an ninh. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố khẳng định không muốn Đại sứ Hà Lan đang nghỉ phép quay về vị trí trong thời gian trước mắt.
Thực tế, việc các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tích cực tham gia vận động ở nước ngoài là điều dễ hiểu bởi kết quả cuộc trưng cầu sắp tới có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền của Tổng thống R.Erdogan. Nếu được người dân ủng hộ, Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những thay đổi quan trọng như quyền hành pháp được chuyển từ Thủ tướng sang Tổng thống, đồng nghĩa rằng quyền lực của vị nguyên thủ quốc gia này sẽ được tăng cường đáng kể.
Tuy nhiên, dù không thể phủ nhận sự cần thiết của nỗ lực tranh thủ ủng hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ tại nước ngoài để củng cố quyền lực nội bộ, song việc Ankara liên tục gây căng thẳng với các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) là điều vô cùng bất lợi. Thực tế cho thấy, quyết tâm gia nhập ngôi nhà chung là mục tiêu mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi lâu nay. Trong khi đó, sự hợp tác và mối quan hệ tốt đẹp giữa quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt này và EU có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì thỏa thuận người di cư, chìa khóa giúp Châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ II đến nay. Do đó, nếu các bên tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy chỉ trích lẫn nhau thì chắc chắn rằng những hệ quả tiêu cực sẽ nhiều hơn lợi ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.