(HNM) - Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy của cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi nước này đe dọa sẽ áp mức thuế mới nhằm đáp trả động thái của Mỹ trong việc áp mức thuế cao hơn đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ.
Lâu nay, Ấn Độ vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ tại châu Á cả về an ninh và kinh tế. |
Ban đầu, New Delhi dự định sẽ tăng thuế đối với 29 sản phẩm của Mỹ kể từ ngày 4-8, trong đó có: Hạnh nhân, táo, quả óc chó, một số sản phẩm nhôm và thép không gỉ… Các khoản thuế mới ước tính sẽ mang về cho Ấn Độ khoảng 241 triệu USD. Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi quyết định tạm hoãn việc tăng thuế đối với các mặt hàng của Mỹ đến tháng 9, nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa quan chức hai bên. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận cần thiết, New Delhi chắc chắn sẽ áp đặt mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Hiện nay, những mặt hàng nổi bật nhất của Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ gồm: Kim cương, hải sản, phụ kiện ô tô và dược phẩm. Nếu những sản phẩm này bị Washington “để mắt” tới, nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Mỹ cũng hoàn toàn có khả năng gây sức ép đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sữa, vốn là những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế Ấn Độ.
Hiện New Delhi đang tích cực bảo vệ ngành Nông nghiệp, thông qua việc duy trì mức thuế nhập khẩu rất cao (thậm chí lên tới 100% đối với đường, 40% với đậu xanh), khiến Mỹ không hài lòng. Như vậy, nếu cuộc chiến thương mại bùng phát thì nó là cơ hội tốt để Washington "đảo ngược thế cờ".
Công nghệ thông tin cũng là “điểm yếu” của Ấn Độ nếu như xảy ra một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Lâu nay quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn nổi tiếng với việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và xuất khẩu lao động. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ so với Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Washington siết chặt các quy định liên quan tới hai lĩnh vực này, Ấn Độ sẽ gặp vô vàn sóng gió. Điển hình mới đây, việc Mỹ thắt chặt quy định cấp visa dành cho lao động tạm thời (H-1B) đã lập tức tác động tiêu cực tới toàn bộ hoạt động xuất khẩu lao động của Ấn Độ.
Theo các nhà quan sát, quyết định đáp trả thương mại của Ấn Độ đối với Mỹ khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi nhôm và thép không phải là mặt hàng chiến lược của Ấn Độ (năm 2017, Mỹ nhập chưa tới 2% lượng thép và 2% lượng nhôm xuất khẩu từ Ấn Độ). Có thể, động thái trên xuất phát từ những mâu thuẫn về thương mại song phương bởi Mỹ và Ấn Độ đã nhiều lần kiện nhau ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hồi năm 2003, New Delhi từng phản đối việc Mỹ bảo hộ các sản phẩm dệt may và quần áo trong nước. Ngược lại, Mỹ chỉ trích chương trình quốc gia về phát triển năng lượng mặt trời của Ấn Độ. Trong bối cảnh các vấn đề thương mại trở thành rào cản trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ từ nhiều năm qua, động thái đáp trả lần này của Ấn Độ cũng là điều dễ hiểu.
Giới phân tích cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Ấn Độ có thể sẽ không leo thang tới mức như đối với Trung Quốc, Canada hay Liên minh châu Âu. Bản thân quyết định trì hoãn áp đặt thuế mới của Thủ tướng N. Modi cũng đã tạo ra khoảng trống để hai bên có thể đàm phán, đi đến một quyết định đồng thuận. Hơn thế nữa, Mỹ không nhìn nhận Ấn Độ là đối thủ trực tiếp như Trung Quốc, mà còn coi New Delhi là đối tác quan trọng tại châu Á cả về an ninh và kinh tế (năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 115 tỷ USD).
Chính vì thế, nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn chỉ ở dạng tiềm ẩn. Nếu hai quốc gia này ngồi vào bàn đàm phán với tinh thần hợp tác, cùng phát triển thì "ngòi nổ" cuộc chiến thương mại Mỹ - Ấn Độ sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.