Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Nguyễn Mai| 17/08/2016 06:16

(HNM) - Chỉ tiêu giảm nghèo giao cho các địa phương quá cao, thời gian thực hiện ngắn nên khó đạt hiệu quả; trong khi đó công tác dạy nghề cho lao động nông thôn kết quả thấp...

Chỉ tiêu cao, kết quả thấp

Theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa, sau khi rà soát chuẩn nghèo mới, huyện Chương Mỹ có hơn 7.800 hộ nghèo, chiếm hơn 10% số hộ, đứng thứ hai thành phố sau huyện Ba Vì. Năm 2016, thành phố đã giao chỉ tiêu giảm 2.000 hộ nghèo, chiếm khoảng 2,5%, Chương Mỹ đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, UBND huyện trích ngân sách 500 triệu đồng bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hộ nghèo, cận nghèo vay... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, nhiều hộ nghèo vẫn chưa biết sử dụng đồng vốn để phát triển kinh tế nên chậm thoát nghèo và thu hồi vốn vay khó khăn.

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề sẽ giúp người lao động nông thôn có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hải Anh


Trao đổi về công tác giảm nghèo của địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết: Chỉ tiêu giảm nghèo thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã quá cao và khó thực hiện. Năm 2016, quận Long Biên được thành phố giao giảm nghèo 150 hộ, trong khi các năm trước chỉ là 30 hộ. Số hộ có thể thoát nghèo ở quận đều thuộc trường hợp người già neo đơn, ốm đau, mất sức lao động… Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Hồng Dân, tập trung vào sinh kế để giúp người nghèo vươn lên là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ứng Hòa là 6,5%, nhưng thành phố giao chỉ tiêu cho huyện giảm 2.000 hộ nghèo từ nay đến cuối năm rất khó thực hiện.

Đề cập đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT của địa phương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chương Mỹ thừa nhận, việc triển khai còn chậm, đến hết tháng 7 huyện mới tổ chức được 20/60 lớp dạy nghề theo kế hoạch. Công tác đào tạo tồn tại nhiều hạn chế… nên lao động sau đào tạo vẫn khó tìm việc làm. Hằng năm, huyện Chương Mỹ đều gặp gỡ các doanh nghiệp, đặt vấn đề thu hút lao động vào làm việc, nhưng nhu cầu tuyển dụng hạn chế. “Theo quy định, mỗi khóa dạy nghề cho LĐNT có thời gian 3 tháng, kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/học viên/khóa học. Với thời gian và mức hỗ trợ đào tạo này thì sau khi học xong LĐNT khó có cơ hội xin được việc làm tốt bởi doanh nghiệp thường đòi hỏi công nhân có tay nghề tương đối cao” - ông Nguyễn Đình Nghĩa nói. Thực tế, kết quả giải quyết việc làm sau đào tạo cho LĐNT thấp, có tới 75% là lao động tự tạo việc làm; chỉ có hơn 25% là được tuyển dụng; các nghề nông nghiệp hầu như không tạo được việc làm mới…

Không giảm chỉ tiêu

Để thúc đẩy công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Hồng Dân đề nghị thành phố sớm tháo gỡ khó khăn như: Xây dựng các trạm cấp nước sạch, bởi hiện trên địa bàn huyện tỷ lệ người dân được sử dụng mới chiếm 25%, thấp hơn so với mặt bằng chung của thành phố. Trong thực hiện an sinh xã hội, công tác tuyên truyền là trọng tâm nhưng hệ thống loa truyền thanh xã đã xuống cấp, cần sớm được hỗ trợ đầu tư. Thành phố cũng cần tạo điều kiện để các quận, huyện kết nghĩa, hỗ trợ trong phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo. Mức hỗ trợ cho người học nghề và người dạy nghề còn thấp chưa thu hút học viên tham gia... Trong khi đó, quy định của Đề án 1956 chưa hợp lý như mỗi LĐNT chỉ được tham gia học một lần, không có cơ chế hỗ trợ theo học nghề khác, nếu muốn học thêm thì phải tự túc.

Khó khăn nhất trong đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay là đầu ra, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu đề nghị thành phố “kết nối” với doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất để thu hút lao động hoặc tiêu thụ đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, giúp bà con yên tâm sản xuất. Thừa nhận thực tế này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cho biết: Kết quả giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề chưa như mong đợi, cần có đánh giá cụ thể hơn về quy trình đào tạo; tập trung đào tạo các nghề xã hội cần. Khi xây dựng kế hoạch dạy nghề đề nghị các huyện cần khảo sát chính xác để làm cơ sở thực hiện…

Tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá: Chỉ tiêu giao về giảm nghèo cho các quận, huyện, thị xã là cao, thực hiện trong thời gian ngắn (do tháng 5 mới ban hành chuẩn nghèo theo tiêu chí mới), nếu các địa phương không đặt quyết tâm cao thì sẽ khó hoàn thành kế hoạch. Chủ trương của thành phố là không hạ chỉ tiêu, vì vậy, các địa phương phải cố gắng để giành mục tiêu cao nhất. Các sở, ngành chức năng cần sớm xây dựng kế hoạch để thành phố xem xét; đôn đốc các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo. Thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo và đề nghị các quận, huyện, thị xã bố trí thêm ngân sách hỗ trợ. Sở LĐ-TB&XH kiểm tra toàn diện công tác dạy nghề để có đánh giá đúng thực chất, nếu cần thiết sẽ nâng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề thay vì 2 triệu đồng/người/khóa học như hiện nay. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là không chạy theo số lượng, nông dân phải tìm được việc làm và có thu nhập khá sau khi được đào tạo nghề.

* Qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, hiện nay số hộ nghèo toàn thành phố tăng 65.337 hộ, chiếm 3,6%; số hộ cận nghèo là hơn 34.000 hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ; trong đó, khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm 5,6%. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%. Năm 2016, mục tiêu giảm nghèo 1,3%, giảm tương đương 27.000 hộ nghèo. 

* Sáu tháng đầu năm, có 10/20 quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT với 149 lớp cho 5.110 người, mới đạt 17% so với kế hoạch năm 2016.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.