(HNMO) - Ngày 18-5, Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture năm 2022 chính thức bước vào vòng sơ khảo. Với chủ đề “Hồi sinh và tái thiết”, tổng số hồ sơ đề cử lên đến 970, đến từ các nhà khoa học, tổ chức uy tín từ hơn 70 quốc gia trên thế giới.
Các đề cử tập trung vào những công trình và phát minh quan trọng giúp giải quyết thách thức lớn của nhân loại để hồi sinh sau đại dịch Covid-19, như sức khỏe và lương thực, môi trường và năng lượng bền vững, cũng như ứng dụng của công nghệ trong mọi mặt đời sống.
Dẫn đầu số lượng đề cử của Giải thưởng VinFuture mùa 2 là các nhà khoa học châu Á với 34,6%; tiếp đến là châu Mỹ 29,8%; châu Âu 16,2% và châu Đại Dương 7%. Đặc biệt, tỷ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi lên đến 12,4% – tăng hơn 6 lần so với năm 2021.
Về chất lượng, 584 trong số 2.618 đối tác đề cử là các tác giả thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới đăng ký, tăng gấp đôi so với năm 2021. 941 đối tác đề cử đến từ 500 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như: Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học Yale (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Học viện Karolinska (Thụy Điển), Học viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Witwatersrand, Johannesburg (Nam Phi), Đại học Cairo (Ai Cập)...
Giai đoạn sơ khảo của Giải thưởng VinFuture sẽ tuân theo quy trình xét duyệt khắt khe, dựa trên các chuẩn mực quốc tế cao nhất, nhằm bảo đảm tính khoa học, công bằng và minh bạch. Hội đồng sơ khảo sẽ đánh giá các đề cử theo các tiêu chí cốt lõi, bao gồm mức độ tiến bộ trong khoa học công nghệ, tầm ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của con người cũng như quy mô và sự bền vững của dự án.
TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture chia sẻ: “Qua hơn hai năm chứng kiến những tổn thất to lớn của nhân loại do đại dịch Covid-19, VinFuture nhận thấy tầm quan trọng của những phát minh nhằm đóng góp và thúc đẩy quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch, hướng đến phát triển bền vững. Thông qua mùa giải 2022, chúng tôi mong muốn tìm được các giải pháp khoa học giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng để lan tỏa các giá trị tốt đẹp mà khoa học công nghệ mang lại trong nhiều lĩnh vực mới, tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương”.
Cùng với việc chính thức bắt đầu vòng sơ khảo, Giải thưởng VinFuture 2022 cũng công bố thêm ba nhà khoa học nổi tiếng thế giới lần đầu góp mặt trong các hội đồng khoa học của giải thưởng.
Đó là GS. Dan Kammen từ Đại học California Berkeley, Hoa Kỳ - nguyên đặc phái viên khoa học của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về chuyên ngành năng lượng. GS. Quarraisha Abdool Karim - chủ nhân Giải thưởng LOréal-UNESCO cho phụ nữ trong khoa học, một trong những chủ nhân Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên. GS. Ermias Kebreab - Giám đốc Trung tâm Lương thực thế giới thuộc Đại học California, Davis, Hoa Kỳ.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận vai trò mới, GS. Dan Kammen bày tỏ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với thông điệp rất thực tế, cũng như sứ mệnh của khoa học công nghệ của Giải thưởng VinFuture ngay từ năm đầu tiên. Tôi kỳ vọng, không chỉ vào chất lượng chuyên môn, mà còn vào tiềm năng ứng dụng thực tế của các đề cử, để khoa học có thể thực sự đi vào cuộc sống”.
Vòng sơ khảo Giải thưởng VinFuture năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 18-5 đến cuối tháng 9-2022 nhằm xem xét kỹ lưỡng và chọn ra những công trình ấn tượng, xứng đáng nhất để đưa vào vòng chung kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.