(HNM) - Tuần qua, ngoại trưởng và quan chức cấp cao các nước thành viên Liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhóm họp tại thủ đô Washington (Mỹ) theo đề xuất của Pháp. Đây là cuộc họp đầu tiên của liên minh kể từ khi thủ lĩnh IS khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt và nhóm phiến quân bị đẩy lùi trên thực địa.
Sau hơn 5 năm thành lập theo lời kêu gọi của xứ Cờ hoa và triển khai mạnh mẽ các chiến dịch cả quân sự và dân sự, liên minh quốc tế chống IS đã giải phóng gần 110.000km2 lãnh thổ tại Iraq và vùng Đông Bắc Syria cùng khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố. Các quốc gia thành viên đã giúp gây quỹ hơn 20 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại các vùng đất trước đây chịu sự kiểm soát của cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate) theo tuyên bố của IS, đồng thời đào tạo và điều động hơn 220.000 nhân viên an ninh giúp ổn định cộng đồng địa phương. Trong thành công gần đây nhất của liên minh, lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã đột kích vào nơi ẩn náu và tiêu diệt tên trùm Al-Baghdadi, kết thúc chiến dịch kéo dài nhiều năm và tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, kể từ sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rút khoảng 1.000 binh sĩ nước này khỏi khu vực phía Đông Bắc Syria, các đồng minh châu Âu đã bày tỏ lo ngại về sự hồi sinh của các nhóm vũ trang cực đoan. Hơn 100 tù nhân IS đã trốn thoát khỏi các nhà tù kể từ khi Mỹ rút quân và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tấn công lực lượng người Kurd - vốn là một trong những đồng minh thân cận của Washington.
Hiện, mối quan tâm hàng đầu của liên minh là vấn đề liên quan đến khoảng 10.000 tay súng IS cùng gia đình đang bị giam giữ ở khu vực gần Đông Bắc Syria. Bên cạnh đó, dù giới chức Mỹ hồi tháng 3 từng tuyên bố IS đã bị đánh bại ở Syria và Iraq, song những tay súng cực đoan có khả năng xuất hiện tại nơi khác và những nỗ lực nhằm bảo đảm sự thất bại vĩnh viễn của các nhóm khủng bố vẫn cần tiếp tục duy trì.
Cuộc họp của Liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố IS đã chứng kiến sự bất đồng trong vấn đề hồi hương các tay súng thánh chiến nước ngoài. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đặt ra một loạt yêu cầu với các thành viên, đặc biệt là đòi hỏi các nước này tiếp nhận hàng nghìn tù binh IS là công dân của nước mình và đang bị giam giữ tại Syria - điều mà nhiều nước châu Âu không hề mong muốn, thậm chí còn kiên quyết phản đối.
Ngoài ra, xứ Cờ hoa cũng cảnh báo về sự mở rộng hoạt động của tổ chức khủng bố này sang châu Phi và trấn an các nước khác trong liên minh rằng Washington sẽ tiếp tục đảm đương vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống khủng bố, duy trì một lực lượng ở Syria để bảo đảm khả năng thực hiện các cuộc không kích và bảo vệ các mỏ dầu giành lại từ tay IS.
Cần thừa nhận rằng, IS vẫn là một mối đe dọa khi tình hình tại miền Bắc Syria đang rất mong manh và cuộc chiến chống các phần tử cực đoan chưa hề kết thúc. Thách thức càng hiện rõ khi ngay nội bộ các nước thuộc liên minh vẫn có những bất đồng về cuộc chiến này.
Trong tuyên bố chung của cuộc họp, đại diện các quốc gia thành viên đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc duy trì tính thống nhất và gắn kết trong các nhiệm vụ tại Syria và Iraq, thể hiện quyết tâm trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống khủng bố bằng cách theo đuổi và ủng hộ các nỗ lực chung. Các thành viên cũng cam kết thiết lập hoặc hỗ trợ các cơ chế phối hợp hiệu quả về vấn đề hồi hương các tay súng khủng bố, song đây vẫn là một bài toán đầy hóc búa với liên minh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.