Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giấc mơ không quá xa vời

An Nhi| 02/12/2018 07:58

(HNM) - Phát triển thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề tương đối mới và cũng không dễ ở Việt Nam.

Không chỉ chuyện số hóa

Hiện nay, internet đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của mọi người. Thư viện - nơi cung cấp thông tin, tri thức cho bạn đọc, vì thế cũng phải thay đổi, chuyển dịch từ phương thức phục vụ truyền thống sang điện tử.

Số liệu điều tra của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho thấy, hiện nay 98% các thư viện đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Trong đó, có một số thư viện, trung tâm thông tin - thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội…

Nhiều độc giả thích thú trải nghiệm dịch vụ thư viện điện tử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.


Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, hầu hết các thư viện đang thực hiện số hóa dữ liệu cho công tác lưu trữ là chính, việc phục vụ độc giả qua hệ thống điện tử chưa nhiều. Tài liệu của dịch vụ này cũng đa phần là tài liệu nội sinh (tại các trường đại học, viện nghiên cứu), tài liệu hết bản quyền, tài liệu địa chí (tại thư viện công cộng)…

Những tác phẩm mới, gây “sốt” trong cộng đồng hầu hết chưa đến với độc giả qua thư viện điện tử. Các nhu cầu khác như giải trí, tương tác trên mạng dành cho độc giả cũng chưa được khai thác, phát triển.

Đơn cử như Thư viện Quốc gia Việt Nam mới chỉ phục vụ độc giả một số bộ sưu tập số hóa như luận án tiến sĩ; sách Hán Nôm; sách về lịch sử, văn hóa, địa lý của Đông Dương; đĩa CD, VCD có trong lưu trữ của thư viện và một số kênh cơ sở dữ liệu đã mua quyền truy cập… Phần này quá ít so với nguồn tài liệu mà thư viện đang lưu trữ và rõ ràng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của độc giả muốn đọc “mọi lúc, mọi nơi, mọi thứ mình cần”.

Để hình thành thư viện điện tử thì khâu số hóa tài liệu là khâu đầu tiên và quan trọng nhất. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa tài liệu số đó phục vụ độc giả, đem lại nguồn tri thức, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của đông đảo bạn đọc còn cần nhiều yếu tố.

Theo Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng Vũ Thị Ân, thư viện điện tử hoàn thiện phải có trang thiết bị công nghệ hiện đại, phần mềm quản trị chuyên môn nghiệp vụ tốt, nguồn tài nguyên thông tin phong phú, mới mẻ, nguồn nhân lực có trình độ cao.

Khó đâu gỡ đấy

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, Trưởng khoa Thư viện - Thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chỉ ra rằng, hệ thống thư viện điện tử ở nước ta thiếu phối hợp, liên kết, chia sẻ thông tin nên chưa phát huy được sức mạnh. Nhiều thư viện sở hữu bộ sưu tập số có giá trị, song mới chỉ chủ yếu phục vụ nội tại, chưa quan tâm đến việc chia sẻ.

Ngoài nguyên nhân về hạ tầng công nghệ thì hiện chưa có cơ chế, chính sách nào yêu cầu các thư viện phải kết nối và chia sẻ thông tin, dẫn đến một thực tế là các thư viện hiện đại ở nước ta vẫn phát triển như một “ốc đảo”.

Về điểm này, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga đề xuất, nên có cơ chế, chính sách để Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu, điều phối, chia sẻ khai thác tài nguyên thông tin gồm bộ sưu tập số quốc gia, các cơ sở dữ liệu trực tuyến, sách điện tử mua quyền khai thác, các cơ sở dữ liệu được tài trợ...

Hiện nay, dịch vụ tại các thư viện điện tử của chúng ta khá hạn chế, chỉ mới dừng ở mức tra cứu, tìm đọc tài liệu, còn thiếu đi những dịch vụ phản hồi, đặt sách, gia hạn tài liệu mượn, nhận các thông báo tự động...

Theo Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh Vĩnh Quốc Bảo, đối tượng bạn đọc của thư viện điện tử là người trẻ, trung niên và thiếu nhi. Vì vậy, các thư viện nên tập trung thiết kế không gian thư viện điện tử có tính tương tác cao, nhiều tiện ích hơn, hướng đến các dịch vụ hỗ trợ học tập và giải trí.

Một rào cản lớn ảnh hưởng đến việc đưa tài liệu số khổng lồ của các thư viện phục vụ độc giả là vấn đề bản quyền tác giả. Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới nêu thực tế: “Nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ cho phép thư viện phục vụ theo phương thức truyền thống, dưới dạng bản in mà không đồng ý cho khai thác bản số hóa. Hơn nữa, truy cập mở rất dễ dẫn đến việc sao chụp, phát tán tài liệu trái phép”. Chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này, ông Vĩnh Quốc Bảo cho rằng, các thư viện nên chủ động xin phép, thương thảo, mua bản quyền cho việc phục vụ tài liệu số.

Một vấn đề quan trọng không kém là nhân lực phục vụ cho việc phát triển thư viện điện tử. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện cần có những kỹ năng khác như ngoại ngữ, tin học, làm chủ phương tiện, thiết bị công nghệ mới, hiện đại… Những yếu tố này phụ thuộc vào công tác tuyển dụng và đào tạo của từng thư viện.

Việc đầu tư, phát triển thư viện điện tử trong hệ thống thư viện hiện nay là đòi hỏi cấp thiết, song để thực hiện không quá khó khăn. Vấn đề là các thư viện quyết tâm đến đâu và vận dụng như thế nào để sớm đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ không quá xa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.