(HNMO) - Thông tin này được Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15-12. Tổng số tiền để tặng quà cho các trường hợp
là hơn 371 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.
Các trường hợp được tặng quà và mức quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của thành phố giữ nguyên như năm 2020. Dự kiến, việc tặng quà cho các đối tượng chính sách sẽ hoàn thành trước ngày 1-2-2021 (ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý).
Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm, suất quà Tết dành tặng cá nhân của thành phố Hà Nội trị giá từ 300.000 đồng/trường hợp đến 1,5 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, mức quà trị giá 1,5 triệu đồng/trường hợp dành tặng các cụ tròn 100 tuổi (sinh năm 1921); mức 1,2 triệu đồng/trường hợp dành tặng các cụ thọ hơn 100 tuổi (sinh trước năm 1921); mức 1 triệu đồng/trường hợp dành tặng các cụ 95 tuổi (sinh năm 1926) và các cụ 90 tuổi (sinh năm 1931). Các cụ ở tuổi chẵn 70, 75, 80, 85 tuổi sẽ nhận được quà mức 700.000 đồng.
Suất quà tặng 1 triệu đồng/trường hợp dành tặng người có công với cách mạng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động; người tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 (tiền khởi nghĩa).
Ngoài ra, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày cũng được nhận suất quà Tết 1 triệu đồng/trường hợp.
Mức quà 500.000 đồng/trường hợp dành tặng con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà); quân nhân, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác đã thôi việc hoặc phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng cũng được nhận mức quà 500.000 đồng/trường hợp.
Mức quà 300.000 đồng/trường hợp được gửi tới những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, gia đình thuộc hộ nghèo.
Tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thành phố Hà Nội duy trì việc thăm hỏi, tặng quà các đơn vị, cá nhân tiêu biểu.
Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 84 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh, người tàn tật tiêu biểu, gia đình người có công tiêu biểu. Mỗi đơn vị được tặng suất quà trị giá từ 4 triệu đến 16 triệu đồng, tổng kinh phí là hơn 510 triệu đồng.
Cũng trong dịp này, thành phố sẽ thăm hỏi, tặng quà 150 cá nhân tiêu biểu, mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng, tổng kinh phí là 375 triệu đồng.
Chia sẻ tại hội nghị giao ban báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh, nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến mọi mặt cuộc sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố vẫn duy trì các chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho người dân, người lao động, bảo đảm mọi người, mọi nhà được vui đón Tết.
Ngoài suất quà của thành phố, tùy vào điều kiện, khả năng thực tế, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng tặng quà Tết Nguyên đán Tân Sửu cho các trường hợp chính sách. Như vậy, các trường hợp chính sách trên địa bàn Hà Nội sẽ nhận được suất quà Tết Nguyên đán của trung ương, thành phố và của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.