Các phân tích của các chuyên gia cho thấy việc vi rút SARS-CoV-2 chuyển sang người từ các bề mặt như tiền giấy là khó hơn rất nhiều so với từ các bề mặt trơn nhẵn như nhựa.
Ngày 28-4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từ tiền giấy euro là không lớn, sau khi kết quả kiểm tra cho thấy vi rút bám trên các bề mặt khác lâu hơn rất nhiều.
Dù tiền mặt được dùng rộng rãi tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đã yêu cầu khách hàng chuyển sang dùng thẻ hay các phương thức thanh toán không tiếp xúc khác để tránh việc sử dụng những tờ tiền bị người mắc Covid-19 chạm vào.
Fabio Panetta, một thành viên trong Ban điều hành ECB cho biết, các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm ở châu Âu cho thấy trong vài giờ đầu tiên, tỷ lệ sống sót của vi rút SARS-CoV-2 trên các bề mặt thép như tay nắm cửa, cao hơn 10 cho đến 100 lần so với trên bề mặt tiền giấy euro.
Các phân tích khác cho thấy việc vi rút chuyển sang người từ các bề mặt như tiền giấy là khó hơn rất nhiều so với từ các bề mặt trơn nhẵn như nhựa.
Với các kết quả trên, ECB kết luận rằng, so với những vật liệu khác mà con người tiếp xúc hằng ngày, tiền giấy không phải là nguy cơ lây nhiễm lớn.
Tuy nhiên, ECB không đề cập về việc có nghiên cứu nguy cơ lây nhiễm từ đồng tiền xu euro hay không.
Ước tính hơn 340 triệu người tại khu vực Eurozone đang sử dụng tiền euro. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu của người tiêu dùng trong khu vực, chiếm 75% các giao dịch.
Việc sử dụng tiền mặt đặc biệt phổ biến tại những nước lớn như: Đức, Italia và Tây Ban Nha. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu tiền mặt trở nên khó đoán hơn do một số người có xu hướng tích trữ tiền ở nhà, trong khi những người khác chi tiêu ít hơn do lệnh phong tỏa.
Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố sử dụng tia cực tím để khử trùng tiền giấy nhằm ngăn ngừa nguy cơ vi rút lây lan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.