(HNM) - Đức, Pháp và Italia vừa ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt gia tăng can thiệp và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tại Libya; đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không tiếp diễn. Bước đi này cho thấy nỗ lực của ba cường quốc châu Âu nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi.
Quan điểm trên được đưa ra sau cuộc thảo luận về tình hình Libya bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte. Lãnh đạo 3 nước chia sẻ quan ngại về căng thẳng quân sự tại Libya; đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Libya và các lực lượng nước ngoài hậu thuẫn ngay lập tức ngừng giao tranh hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Đây là lần đầu tiên ba nước đưa ra tuyên bố cứng rắn như vậy trong bối cảnh chiến sự tại Libya đã gia tăng tới mức đáng lo ngại. Hiện tại quốc gia Bắc Phi đang tồn tại song song hai chính quyền. Lực lượng thứ nhất là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli và phía Tây Libya đứng đầu, bởi Thủ tướng Fayez al-Sarraj, được Liên hợp quốc công nhận, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar kiểm soát phía Đông được Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ. Sự hiện diện của các bên liên quan tại Libya ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phải đưa ra cảnh báo rằng sự can thiệp của các nước vào cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi tăng lên tới mức chưa từng thấy.
Từ đầu tháng 1 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội tới Libya theo thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với GNA. Theo đó, Ankara sẽ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho lực lượng này. Trước đó, hai bên cũng đã ký một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện khoan thăm dò ở thềm lục địa của Libya. Văn kiện này vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là Hy Lạp và Cyprus với lập luận thỏa thuận nói trên vi phạm luật pháp quốc tế. Quan điểm đó đã được các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ thông qua một tuyên bố chung lên án Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Ai Cập cũng đã chính thức tham gia cuộc chiến ở quốc gia láng giềng với quyết định hỗ trợ quân đội của Tướng Khalifa Haftar giành ưu thế trên chiến trường. Cairo khẳng định có quyền hợp pháp trong việc bảo vệ biên giới khỏi nguy cơ từ các phần tử thánh chiến mà đất nước Kim tự tháp cho là những chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Libya từ tỉnh Idlib của Syria.
Với châu Âu, cho dù không chính thức tuyên bố đứng về phe nào tại Libya nhưng Pháp có xu hướng nghiêng về chính quyền miền Đông của Tướng Khalifa Haftar trong khi Italia lại gần gũi hơn với Chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj. Thế nhưng, bất chấp sự khác biệt này, hai quốc gia cùng nhiều nước châu Âu khác lại có những lợi ích chung liên quan đến nguồn dầu mỏ dồi dào ở Libya. Đặc biệt, sự ổn định tại quốc gia Bắc Phi sẽ liên hệ chặt chẽ với các nỗ lực kiểm soát dòng người tị nạn đổ về Lục địa già.
Vì vậy, việc Đức, Pháp và Italia cùng lên tiếng trong thông báo chung mới nhất cho thấy châu Âu đang nỗ lực bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều bước đi quyết đoán để mở rộng ảnh hưởng tại Libya, điều sẽ khiến Ankara có vai trò lớn hơn tại Địa Trung Hải và có nhiều ưu thế trong các thương lượng với Cựu lục địa trong tương lai. Tuy nhiên, thực trạng rối ren hiện nay cho thấy xung đột Libya đã trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm và sự tham gia của nhiều quốc gia sẽ làm nỗ lực vãn hồi hòa bình càng trở nên phức tạp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.