Những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy tại 30 công trình đã được UBND thành phố Hà Nội "chỉ mặt, điểm tên".
Các cơ quan, đơn vị liên quan đã, đang triển khai, xây dựng kế hoạch khắc phục. Bằng nhiều giải pháp, tiếp cận từ nhiều hướng, công tác khắc phục đã và đang được các đơn vị nỗ lực thực hiện trên tinh thần ở mức tối đa.
Nhiều công trình được đầu tư mới đồng bộ
Là khối cơ quan bị “điểm danh” có đến 10 trường học còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Hoa cho biết, các trường được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực nên không đáp ứng được điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, các trường đã được ghi trong danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, trong đó các công trình đều được đầu tư hạng mục phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hiện các huyện đang tích cực triển khai dự án và đã được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, 6/9 trường đang thi công xây dựng và cơ bản hoàn thành; 3/9 trường đang thực hiện các thủ tục triển khai dự án, dự kiến khởi công trong tháng 12 này.
Riêng Trường Trung học phổ thông Đặng Tiến Đông (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) là trường ngoài công lập nên không được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng nhà trường cũng đang hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chức năng thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.
“Luật Thủ đô đã dành những chính sách nhất định cho phát triển giáo dục, nhà trường mong muốn được thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện nhanh nhất hạng mục phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đặng Tiến Đông Phạm Văn Thảnh đề xuất.
Với khối Y tế, để có cái nhìn tổng quan về công tác khắc phục phòng cháy, chữa cháy, phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với Sở Y tế Hà Nội, song không nhận được hồi âm dù nhiều lần liên hệ lại với sở. Dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, một số bệnh viện luôn coi trọng và đặt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy lên hàng đầu. Theo đó, về lâu dài, nhằm khắc phục triệt để tồn tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ đã có chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện với tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ đồng, trong đó hạng mục phòng cháy, chữa cháy sẽ được đầu tư đầy đủ.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cũng dự kiến, quý I-2025 sẽ khởi công dự án cải tạo, mở rộng bệnh viện do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư và hạng mục phòng cháy, chữa cháy sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện hành.
Chú trọng nâng cao ý thức
Ngay sau khi bị liệt vào danh sách các công trình còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện ngay những phần việc có thể triển khai.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đặng Tiến Đông Phạm Văn Thảnh, nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh toàn trường về công tác phòng cháy, chữa cháy. Những thiết bị về phòng cháy, chữa cháy có thể trang bị, trường đã mua và hoàn thiện lắp đặt.
“Nhà trường đã lên kế hoạch cải tạo trường, lớp, để sớm hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn tối đa cho thầy và trò”, ông Phạm Văn Thảnh thông tin.
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ Lê Ngọc Thiện thông tin, bệnh viện đã lắp đặt hệ thống báo cháy tự động tại nhà khám bệnh 3 tầng; các dãy nhà đều lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy và vách tường; khuôn viên bệnh viện có hệ thống cung cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Cùng với đó, bệnh viện đã trang bị 120 bình chữa cháy…
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền và diễn tập giả định tình huống chữa cháy cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống chữa cháy của bệnh viện; năm 2023, bệnh viện đã thực hiện gói cải tạo nhỏ đối với hệ thống chữa cháy ngoài nhà…
Còn với Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức, với kết cấu trụ sở cũ, không cải tạo được hạ tầng để xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động, huyện tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, ý thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan… Hiện tại, Huyện ủy và UBND huyện đã lắp đặt những thiết bị thiết yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; thành lập đội phòng cháy, chữa cháy, thành viên gồm đại diện các phòng, ban, cơ quan trực thuộc UBND huyện tham gia…
Có thể thấy, những công trình trên khó có thể hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định được ngay và luôn. Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội vừa tiếp tục có Công văn số 3832/UBND-NC ngày 19-1-2024, yêu cầu các cơ quan, đơn vị cam kết không để xảy ra cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị... Đây là thách thức không nhỏ nên các cơ quan, đơn vị càng phải nâng cao ý thức trong phòng ngừa và chủ động khắc phục tồn tại với tiến độ nhanh nhất nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.