(HNM) - Sau hai năm đặt nền tảng xây dựng và kiến tạo, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện mục tiêu đưa doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển về chất, bước vào “sân chơi” toàn cầu vào năm 2020.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh (Sihub) cho biết, Việt Nam đang có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của nhà đầu tư, trong đó TP Hồ Chí Minh có 834 doanh nghiệp (chiếm 42%). Điều đó cho thấy, TP Hồ Chí Minh có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp. Tuy vậy, các chỉ số về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp có quy mô nhỏ, chưa bước vào giai đoạn gọi vốn, khả năng tăng trưởng đột phá không cao.
Để đạt được mục tiêu đưa TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố khoa học - công nghệ của khu vực vào năm 2020, từ năm 2016 Sihub (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh) đã được thành lập. 2 năm qua, Sihub đã kiến tạo và hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 ngành kinh tế trọng điểm của thành phố là: Công nghệ thông tin và truyền thông; Chế biến lương thực - thực phẩm; Cơ khí - tự động hóa; Nhựa - cao su - hóa dược. Ngoài ra, Sihub cũng đã hỗ trợ hơn 958 dự án khởi nghiệp, 15 vườn ươm; hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển mạng lưới cho hơn 100 cố vấn khởi nghiệp, đào tạo 115 giảng viên đại học về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Theo ông Huỳnh Kim Tước, sau gần 2 năm hoạt động, Sihub đã hoàn thành giai đoạn xây dựng và kiến tạo, từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung vào các bước nhằm hỗ trợ hệ sinh thái này kết nối toàn cầu. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Sihub đang tổ chức với hàng loạt hoạt động, xoay quanh 10 trụ cột lớn để phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện và hội nhập. Bốn ngành trọng điểm sẽ được ưu tiên hỗ trợ và thúc đẩy, gồm: Phát triển các công nghệ dành cho ngành giáo dục, nông nghiệp; chăm sóc sức khỏe, y tế, môi trường, du lịch; những công nghiệp mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là những ngành theo xu hướng phát triển của thế giới.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Sihub, trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện chỉ có 29% tập trung vào công nghệ và sáng tạo, vì vậy cần phải nâng tỷ lệ này lên. Ngày 22-3 vừa qua, Sihub đã ký ghi nhớ hợp tác với nhiều tổ chức, đối tác của các hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các tập đoàn lớn trên thế giới để thực hiện chiến lược này. Các chương trình ký kết cụ thể là: Trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp quốc tế; Trao đổi giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; Giáo dục kỹ năng thế kỷ XXI cho thanh thiếu niên…
Theo bà Nguyễn Phi Vân, để được trao đổi, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải qua vòng tuyển chọn tại Việt Nam, đồng thời cũng phải được chấp nhận bởi hội đồng tuyển chọn của nước nhận trao đổi. Chương trình trao đổi đầu tiên được thực hiện với Hàn Quốc và hiện đã có 5 doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam theo chương trình này. Sắp tới, sẽ có 5 doanh nghiệp Việt Nam được gửi sang Shinhan Future’s Lab (Hàn Quốc) để khởi nghiệp…
"Thế giới đang chuyển động rất nhanh chóng và Việt Nam không có con đường nào khác là phải hòa cùng dòng chảy hội nhập, đẩy nhanh các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình cụ thể để không bị bỏ lại phía sau" - bà Vân khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.