Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đứa con của làng Chùa

Hoàng Thu Phố| 12/06/2020 18:58

(HNMCT) - Nguyễn Quang Thiều là “lão nông điêu luyện” trên “cánh đồng nghệ thuật”. Nhiều lúc tôi đã nghĩ vậy khi quan sát nhà thơ làm việc.

Nguyễn Quang Thiều được biết tới là nhà thơ với nhiều cách tân mới mẻ, đặc biệt nhất là tập thơ Sự mất ngủ của lửa đã được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993. Nhưng ông cũng được nhớ tới với tư cách tác giả văn xuôi, mà những truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại, Mùa hoa cải ven sông đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến khi đề cập đến một thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam. 

Song, Nguyễn Quang Thiều không chỉ viết truyện ngắn. Dấu ấn văn chương của ông còn để lại trên địa hạt tiểu thuyết với Vòng nguyệt quế cô đơn, Kẻ ám sát cánh đồng… và tản văn Mùi ký ức, Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng… Cũng không thể không nhắc tới một Nguyễn Quang Thiều của những tập truyện cho thiếu nhi, mà Bí mật hồ cá thần, Con quỷ gỗ, và mới đây là Chuyện của anh em nhà Mem và Kya cho thấy sự thành công của ông khi rẽ nhánh để làm phong phú hơn, đồ sộ hơn sự nghiệp văn học của mình.

Viết nhiều thể loại, vì thế, gọi Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ cũng đúng, nhà văn cũng được. Thậm chí, gọi ông là họa sĩ cũng xứng đáng bởi những tác phẩm hội họa gần đây của Nguyễn Quang Thiều cho thấy một cá tính riêng, không lẫn.

Nhưng danh xưng với ông, vẻ như không quan trọng. Người đàn ông sinh năm 1957 vẫn luôn tự hào mình là đứa con của làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - ngôi làng đã vào nhiều sáng tác của ông.

Những ngày tháng này, ông đang vui vì vừa hoàn thành món quà đặc biệt tặng hai đứa cháu nội và cháu ngoại. Ấy là tập truyện thiếu nhi Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (NXB Trẻ, quý II-2020). Thoạt đầu, ông viết và định in khoảng trăm cuốn làm quà tặng trong gia đình, nhưng sau đó sức hấp dẫn của cuốn sách đã khiến đơn vị xuất bản đầu tư, mời họa sĩ Kim Duẩn vẽ minh họa, phát hành rộng rãi. Cuốn sách đã vượt qua những câu chuyện riêng tư trong gia đình, trở thành tác phẩm văn học thiếu nhi sống động, hấp dẫn.

Ở cuốn sách này, Nguyễn Quang Thiều “được” hai đứa cháu chọn làm thư ký để ghi lại những câu chuyện trong năm đầu tiên của cuộc đời các cháu. Một lần nữa, Nguyễn Quang Thiều đã bước vào “chuyến tàu tuổi thơ”, như cách đây nhiều năm ông đã lên chuyến tàu đó để viết Bí mật hồ cá thần, Con quỷ gỗ… cho các con của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều thừa nhận rằng, ông viết tác phẩm văn học thiếu nhi vì muốn kể cho con cháu nghe những câu chuyện mà ông cảm nhận được quanh đời sống từ nhỏ đến giờ. Và, khi viết bất cứ điều gì cho các con, các cháu mình thì đó là lúc người ta viết trong một tâm thế đặc biệt nhất, cảm xúc nhất và hệ trọng nhất. Bởi biết đâu những trang viết đó sẽ thay đổi một điều gì rất hệ trọng trong tâm hồn trẻ thơ.

Đầu năm nay, tập Dưới trăng và một bậc cửa của ông đã được xuất bản. Tập thơ gồm những bài thơ dài và trường ca được tác giả viết trong mấy chục năm qua. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù viết trong thời gian dài nhưng tập thơ mang tinh thần thống nhất cho dù thi pháp có thay đổi theo từng khoảng thời gian sáng tác khác nhau.

Gặp Nguyễn Quang Thiều lần nào cũng thấy ông ăm ắp ý tưởng và dự định viết. Rồi lên ý tưởng cho chuyên đề Viết & Đọc ra định kỳ theo mùa xuân - hạ - thu - đông quy tụ nhiều cá tính văn nghệ sĩ trong nước và nước ngoài. Mới rồi, ông tiết lộ mình đã hoàn thành bản dịch trường ca Lò mổ. Trường ca gồm 18 chương, ông viết xong từ năm 2016 nhưng phải tới nay thì phần dịch sang tiếng Anh mới hoàn thành. Lâu, là bởi ông tự dịch, rồi nhờ một nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ hiệu đính. Dự kiến cuối năm nay trường ca này sẽ ra mắt, đồng thời, một triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nguyễn Quang Thiều cũng sẽ được khai mạc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn. Ngoài lĩnh vực chính thơ ca, văn xuôi tạo nên tên tuổi, ông cũng ghi dấu ấn về tiểu luận, dịch thuật, bút ký và viết nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đứa con của làng Chùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.