Nếu chỉ gặp nhà thơ Nguyễn Thị Mai một lần, ấn tượng ban đầu của bất cứ ai sẽ là vẻ hoạt bát, năng động của chị. Nhưng nếu đã biết nhà thơ Nguyễn Thị Mai đủ lâu, ta sẽ cảm nhận ở chị một tâm hồn mong manh, dễ xúc động.
Có lẽ vì thế mà những vần thơ đến với chị cũng dễ dàng hơn, giúp chị trải lòng khi vướng mắc, đồng cảm với những số phận không may... Không nhiều đột phá về thi pháp, đề tài, chị chinh phục người đọc bằng những câu thơ giản dị, rất mực đàn bà.
1.“Chị Mai thì lúc nào chả cười”, đó là nhận xét chung của nhiều người khi nhắc về chị. Khuôn mặt đầy đặn, nụ cười ấm áp, đôi mắt lấp lánh, chị khiến cho bất cứ ai hễ gặp chị là trở nên vui vẻ, phấn chấn vì được thu nhận luồng năng lượng tích cực. Ít người biết rằng chị đã trải qua một tuổi thơ khổ cực. Bố mẹ sớm chia tay, mẹ đi bước nữa và sinh thêm 6 người em. Chị là cả nên trở thành “người mẹ thứ hai”, làm đủ việc từ gánh nước, chặt củi thuê, bẻ cây thanh hao làm chổi bán, phơi mình dưới nắng trưa sông Đuống để bốc dỡ bè nứa, rồi đóng gạch bê tông thuê, làm thợ nấu nhựa ép quai guốc... để lấy tiền ăn học và giúp mẹ nuôi đàn em nhỏ dại.
Nhưng, vượt lên gian khó, Nguyễn Thị Mai vẫn có thời gian dành cho thơ. Chị kể rằng mình đến với thơ ca từ thuở bé, khi vừa mới biết đọc chữ. “Ngày ấy, bà ngoại dạy tôi đọc “Lục Vân Tiên”, rồi truyện nôm khuyết danh như “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Phạm Tải - Ngọc Hoa”, “Nhị Độ Mai”... Thêm nữa, mẹ tôi lại là người rất mê “Truyện Kiều”. Mẹ cất cuốn “Truyện Kiều” trong một chiếc hòm gỗ và tôi thì thường lén đọc trộm. Bấy giờ chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của “Truyện Kiều” nhưng những câu lục bát ấy cứ thấp thoáng trong trí óc non nớt của tôi.
Khi vào học cấp 1, tôi đặc biệt rất thích đọc thơ. Thế rồi những câu ca dao, những lời thơ có vần điệu, những lời than thân trách phận của người phụ nữ ngày xưa cứ thế ngấm dần trong tâm thức... Nhìn lại quãng đời mình mới thấy, hóa ra tôi cũng có một chút năng khiếu từ bé, đặc biệt là tình yêu thơ ca chảy trong huyết quản được di truyền từ bà, từ mẹ...”.
Học hết cấp 3, Nguyễn Thị Mai thi đỗ khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của chị bằng những kiến thức chính thống và chuẩn mực. Tốt nghiệp đại học, chị được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Quãng thời gian này chị viết được khá nhiều bài thơ bởi phong cảnh cùng con người nơi đây đã gây cho chị nhiều xúc động, nhưng chị bảo, chị làm thơ để “giải tỏa những nỗi niềm, ghi lại vẻ đẹp không bút mực nào tả hết ở nơi ấy thôi chứ chả gửi đăng đâu cả”.
Dạy học được gần 5 năm, Nguyễn Thị Mai được cử đi học cao học, sau đó về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Năm 1993, chị chuyển công tác về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tây (cũ). 5 năm sau chị chuyển lên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau đó sang Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, rồi về công tác tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, dạy học tại đây cho đến khi nghỉ hưu.
2. Bài thơ đầu tiên của Nguyễn Thị Mai được mọi người biết đến là bài “Tâm sự cô giáo trẻ” chị viết khi còn là sinh viên năm thứ 3 và được đăng trên Báo Hànộimới. Bài thơ này sau đó đã được các thế hệ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội truyền tay nhau để đọc bởi nó nói được hết những tâm tư tình cảm, suy nghĩ ước mơ của hầu hết những “giáo viên tương lai” thời ấy. Cái tên Nguyễn Thị Mai cũng được mọi người biết đến bắt đầu từ đây.
Nguyễn Thị Mai cho rằng: Đề tài không làm nên giá trị của tác phẩm, nhưng nếu mình hiểu rõ, nắm vững lĩnh vực của đề tài thì sẽ có cơ hội làm cho tác phẩm tốt hơn. Có lẽ vì thế mà chị hay viết, thậm chí nhận được nhiều giải thưởng ở đề tài thân phận phụ nữ, tình cảm gia đình, thiên nhiên..., bởi “kho” trải nghiệm chị có được từ những năm tháng công tác tại các tỉnh miền núi, công tác đoàn thể, hội phụ nữ...
Nhắc đến Nguyễn Thị Mai, không thể không nhắc đến “Nhà không có bố” - bài thơ được Giải nhất Toàn quốc của Hội Nhà văn và Ủy ban Chăm sóc thiếu niên nhi đồng Việt Nam. Những câu thơ giản dị, đời thường nhưng được chị gửi gắm nhiều ẩn ý về vai trò của từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là người bố. Bài thơ khép lại bằng hai câu kết: “Cho dù bãi mật phù sa/ Mà không bên lở chẳng là dòng sông”, với ngụ ý sông cần có cả đôi bờ mới hài hòa cân xứng, thiếu một bên, dù bất cứ lý do gì cũng đều không tốt, nhất là với những đứa con.
Ở bài “Nói với con chồng”, chị ngầm khẳng định câu ca dao “Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng” đã không còn phù hợp trong thời đại mới, bởi tình yêu dệt nên mối liên kết gia đình: “Dì không mang nặng, đẻ đau/ Đứt dây mà xót thương bầu, bí ơi/ Kệ cho bánh đúc mấy đời/ Người ăn người lại nói lời nghiệt cay”.
Năm 2010, trong Cuộc thi thơ Lục bát Ngàn năm thương, một lần nữa những rung cảm về thân phận người phụ nữ trong bài thơ “Chợ đêm Long Biên” đã mang lại cho chị giải Nhì (không có giải nhất). Trong bài thơ, từ sự cảm thông với thân phận những người phụ nữ làm nghề bốc vác, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã đặt ra câu hỏi: "Bữa ngon, hiểu được mấy ai?/ Chỉ cây cầu biết/ thở dài với sông". Câu hỏi khơi gợi nhiều hướng liên tưởng, như nỗi vất vả nặng nhọc của người phụ nữ chỉ có cây cầu trăm tuổi kia hiểu được và tiếng thở dài với sông hay với nỗi đời cay đắng, chênh chao... Chính những lời thơ mộc mạc, giản dị cùng thể thơ lục bát truyền thống ấy đã làm lay động lòng người đọc...
3. Với Nguyễn Thị Mai, thơ không chỉ để giải tỏa nỗi niềm mà còn là trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời. Thơ phải có nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, hướng con người đến những cái hay cái đẹp, để mỗi khi nhìn lại thấy cuộc đời này thật đẹp và đáng sống, đáng trân trọng. Đặc biệt, chị ủng hộ sự cách tân của thơ. Cách tân để bứt khỏi sự nhàm chán, cũ mòn, để phù hợp với nhu cầu thời đại. Tuy nhiên, cách tân phải đích thực là sự sáng tạo. “Tôi là người không có “gan” cách tân thơ vì sợ mình không còn là mình. Nhưng tôi rất chú ý tìm tòi, phát hiện cái mới cho nội dung thơ. Theo tôi, tìm tòi, đổi mới nội dung thơ mới là khó” - chị chia sẻ.
Hiện tại, Nguyễn Thị Mai là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đồng thời là Trưởng ban Công tác Nhà văn nữ và Trưởng ban Công tác Hội viên, bên cạnh đó chị còn phụ trách Văn phòng Hội Nhà văn Hà Nội. Người ta nói nhìn dáng đi chị tất tả thế nên cuộc đời chị mới vất vả, nhưng tôi lại cho rằng, chị tìm được niềm vui trong từng ấy những lo toan. Chị bảo: “Phải sống vượt lên em ạ, chị cũng đã phải vượt lên rất nhiều gian khổ để sống bình an như ngày hôm nay”. Rồi chị kể sắp tới chị sẽ ra tập thơ thứ 14 mang tên “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”, cũng là tên một bài trong tập thơ. Đặc biệt, ngay trong bài đầu tiên của tập thơ là câu thơ chị tâm đắc: “Tựa vào ta mà đi”, mang hàm ý cái tựa vững vàng nhất vẫn là tựa vào chính mình để vượt qua những đớn đau, để khi giông bão qua đi, nụ cười với ánh mắt lấp lánh niềm vui của chị lại tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người trong cuộc đời và trong thơ.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai sinh năm 1955 tại quận Long Biên (Hà Nội).
Chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Chị đã giành được nhiều giải thưởng như Giải B của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (với tập thơ “Thời hoa gạo cháy”), Giải A của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (tập thơ “Nón trắng sang đò”); 2 Giải thưởng Văn học Nguyễn Trãi (của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây) năm 1996 và 2001; giải Nhất Cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Việt Nam tổ chức năm 1992 (chùm thơ 2 bài “Nhà không có bố” và “Giờ văn”)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.