Văn hóa

Vĩnh biệt nhà báo lão thành, nhà thơ Yên Thao!

Thọ Cao 18/01/2024 - 06:43

Nghe tin nhà báo, nhà thơ Yên Thao vừa mất, các đồng nghiệp làng báo, làng văn không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Có thể nói, Yên Thao là một trong số rất ít nhà báo về công tác tại Báo Hànộimới sớm nhất - Ngay từ những ngày đầu thành lập 1957, và lâu nhất - 34 năm. Xin cùng các đồng nghiệp Báo Hànộimới và các nhà báo, nhà văn kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt ông - Một nhà báo, nhà thơ tài hoa, hiền lành và hóm hỉnh.

yen-thao.jpg
Nhà báo Yên Thao và các đồng nghiệp Báo Hànộimới.

Nhà báo Yên Thao, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - tên thật là Nguyễn Bảo Thịnh - sinh năm 1927 ở làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngôi làng từng nổi tiếng sản sinh nhiều tiến sĩ khoa bảng với câu ca “Thóc làng Giàn (Xuân Đỉnh) Quan làng Vẽ (Đông Ngạc)”.

Yên Thao từng nhập ngũ, làm báo trong quân đội. Sau khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ông theo học Trường Huấn luyện cán bộ quân đội (khóa VI) ở Thông (Sơn Tây) - trước là Trường Quân chính kháng Nhật, sau đổi là Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Trong quân ngũ, ông từng là Chính trị chỉ đạo viên, thuộc Chi đội (Trung đoàn) Lê Trực. Do yêu thích và có năng khiếu văn thơ, ông được phân công về làm Báo Chiến đấu của quân đội chiến khu 2, sau đổi thành Báo Quân Bạch Đằng và công tác tại Chi hội văn nghệ Liên khu 3.

Sau khi chuyển ngành, làm kế toán ở Sở Lương thực Hà Nội, năm 1957, Yên Thao được Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Thủ Đô (tiền thân của Báo Hànộimới, ngày ấy là ông Vũ Khắc Tố) tới tận nhà, mời về làm báo hằng ngày.

Những năm làm việc ở Báo Thủ Đô, ông được phân công vào tổ Kinh tế, theo dõi ngành Thương nghiệp và giữ chuyên mục “Dạo quanh thị trường”. Rồi Yên Thao chuyển sang tổ Văn xã, phụ trách tiểu phẩm “Mỗi ngày một chuyện” - chuyên mục do Phó Tổng Biên tập Hải Ly khai sinh ngay từ số báo đầu tiên. “Mỗi ngày một chuyện” với bút danh “Người Xây Dựng”, trở thành chuyên mục hấp dẫn, được độc giả chờ đọc, cũng là chuyên mục “thọ” nhất của Báo Hànộimới cho đến hôm nay. Yên Thao “ôm giữ” chuyên mục cũng dễ trên ba chục năm. Dưới tay bút biên tập của Yên Thao, tiểu phẩm tuy phê phán, chỉ trích những tiêu cực, vi phạm trong đời sống xã hội thành phố, trong giao thông, xây dựng, ứng xử… của người dân, nhưng bằng lời lẽ nhẹ nhàng, tế nhị, bút pháp khôi hài, hóm hỉnh và thường kết thúc bằng bốn dòng thơ châm biếm, khiến hiệu quả phê bình dễ “ngấm” và lan tỏa hơn. Có lẽ đó cũng là lý do để chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện” sống đến tận hôm nay.

Yên Thao là cây bút đa năng, viết được nhiều thể loại. Nhưng sở trường chính là thơ châm biếm, trào phúng. Thơ ông dí dỏm mà tinh đời, chĩa mũi nhọn vào những thói hư, tật xấu, sự lố lăng, kệch cỡm của một số đối tượng xã hội. Từ mấy ông “sếp” sắp nghỉ hưu vẫn thích “trăng hoa”, mấy tay anh chị máu mê cờ bạc, đệ tử của rượu, ma túy, đến những tên "đục nước béo cò", quan chức tiêu tiền “chùa”, những kẻ lừa thầy phản bạn, tham nhũng, cơ hội… đều được ngòi bút của ông lên án không thương tiếc. Chống tham nhũng, tiêu cực, ông từng viết “Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì/Hễ có phong bì là được thanh kiu”. Hồi thể thao nước nhà chưa phát triển, khi tin đoàn thể thao ta không đoạt huy chương nào ở Á vận hội, Yên Thao làm mấy câu vui “A-si-át, A-si-a/Ta phá kỷ lục của ta thì tài/Mang chuông đi đánh nước ngoài/Thắm tình hữu nghị, gặp ai cũng… nhường”. Chỉ đơn cử vài trong số hàng nghìn câu thơ của ông, đã thấy sự hóm và dí dỏm là nét riêng của Yên Thao trong các tiểu phẩm, thơ, ca dao mà không phải tác giả nào cũng có. Ông không ngại những đề tài trùng lặp, cả những đề tài cũ mòn, bởi biết lật đi lật lại vấn đề để tìm ra cách diễn đạt khác lạ, bởi vậy độc giả vẫn nhận được và tìm thấy những điều mới mẻ trong mỗi bài viết.

Yên Thao còn là “cây” thơ đố, nụ cười, câu đối. Ông từng đoạt giải A trong Hội thi câu đối Tết ở Văn Miếu. Hội báo Xuân Bính Tý 1996, ông đoạt ba giải: Giải A câu đối Báo Vũng Tàu - Côn Đảo và Người làm vườn.

Với những sở trường ấy, Yên Thao được những cây bút của “làng cười” Hà Nội tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ trào phúng thuộc Hội Nhà văn Hà Nội ngay từ ngày thành lập 1990.

Nhưng Yên Thao không phải chỉ làm thơ trào phúng, tập thơ “Yên Thao - Thơ” (Nhà Xuất bản Văn học) với rất nhiều bài thơ trữ tình, lãng mạn của ông đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2000-2001. Trong tập thơ chọn này, có bài “Nhà tôi” với hai câu hẳn nhiều người còn nhớ “Nhà tôi ở cuối thôn Đồi/Có giàn thiên lý, có người tôi thương”. Bài thơ đã được cộng đồng người Việt ở nước ngoài đăng lại trên các báo Pháp, Canada và được Anh Bằng - một nhạc sĩ hải ngoại phổ nhạc với nhan đề “Chuyện giàn thiên lý”.

Nay, “giàn thiên lý” đã bay về miền mây trắng, để lại cho bao độc giả yêu thơ niềm tiếc thương khó nói nên lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt nhà báo lão thành, nhà thơ Yên Thao!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.