Các nhà khoa học quốc tế ngày 25-10 công bố một phương pháp mới chẩn đoán sớm nguy cơ mắc bệnh lao, theo đó có thể cứu sống hàng trăm nghìn trẻ em mỗi năm.
Tuyên bố được nhóm các nhà khoa học thuộc Quỹ nghiên cứu về bệnh lao KNCV đưa ra trong một hội nghị quốc tế về bệnh lao, tổ chức ở La Haye (Hà Lan).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Your Health Remedy) |
Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 240.000 trẻ em tử vong vì bệnh lao. Đây là căn bệnh có thể chữa được nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% số các ca tử vong do bệnh lao ở trẻ em là những trường hợp không được điều trị.
Các phương pháp chẩn đoán lao hiện tại dựa trên xét nghiệm mẫu đờm từ khí quản thấp của bệnh nhân. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi chưa có phản xạ khạc đờm, do đó các bệnh nhi này phải trải qua thủ thuật xâm lấn lấy mẫu xét nghiệm gây đau đớn và phải ở lại bệnh viện theo dõi ít nhất một ngày.
Theo phương pháp mới được công bố, xét nghiệm mẫu phân của trẻ em dưới 5 tuổi có thể phát hiện vi khuẩn lao. Biện pháp đơn giản này có thể thực hiện được ở các cộng đồng hẻo lánh, thay vì phải thực hiện tại các bệnh viện lớn như phương pháp xâm lấn hiện nay.
Giám đốc điều hành Quỹ nghiên cứu bệnh lao KNCV Kitty van Weezenbeek nhấn mạnh, tiềm năng sử dụng phương pháp nêu trên rất lớn vì có thể chẩn đoán bệnh lao ở cấp độ y tế thấp nhất và có thể thực hiện với hàng trăm nghìn người.
Trong khi đó, chuyên gia Petra de Haas thuộc KNCV nhận định, "đây thực sự là một bước đột phá, bởi phương pháp này có thể thực hiện được ở cả các phòng thí nghiệm quy mô nhỏ" và sẽ giúp cứu sống nhiều bệnh nhi trong số 650 trẻ tử vong vì bệnh lao mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, với hơn 1,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2017. Mặc dù vậy, trên thực tế, các khoản chi phí cho việc nghiên cứu bệnh lao trên thế giới hiện mới chỉ bằng 1/10 so với nghiên cứu HIV/AIDS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.