Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng người ly hương chạy trốn khủng hoảng ở Venezuela

Thương Nguyệt/ Ảnh: Reuters| 16/10/2018 13:55

(HNMO) - Những hàng sậy dọc sông Tachira cứ vài phút lại phát ra tiếng xào xạc. Những kẻ buôn người với số lượng đông đảo đưa nhóm người Venezuela di cư nghèo khó vượt biên.


Đây là dòng người di cư mới từ Venezuela. Trong nhiều năm, do tình hình ngày một xấu đi, quốc gia Nam Mỹ đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế, hàng trăm nghìn người dân tại đây đang cố gắng gây dựng lại cuộc sống thông qua con đường nhập cư trái phép.

Trong bối cảnh lạm phát, bị cắt điện hàng ngày và tình trạng thiếu lương thực, nhiều người sở hữu điều kiện sống tốt vẫn buộc phải lựa chọn rời bỏ đất nước, bất chấp việc có thể bị xử lý hình sự hay luật nhập cư siết chặt. Họ muốn tìm kiếm vận may ở một nơi khác.

Nhóm người nhập cư di chuyển dọc một đường mòn sau khi vượt biên trái phép vào Colombia.


Theo Reuters, trong vài tuần vừa qua, nhiều người di cư Venezuela đã vượt qua biên giới quốc gia phía Tây với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở Colombia.

"Thật kinh khủng nhưng tôi cần phải vượt biên”, Dario Leal nhớ lại hành trình khi rời đi từ bang Sucre, nơi anh làm việc tại một tiệm bánh với mức thu nhập 2 USD mỗi tháng.

Tại khu vực biên giới, Leal phải trả cho những kẻ buôn người số tiền gần gấp ba mức thu nhập để được qua biên giới. Chỉ với 3 USD còn lại, người đàn ông 30 tuổi đi bộ vượt quãng đường 500 km để đến Bogota, thủ đô của Colombia.

Dario Leal ngồi trên vỉa hè, cạnh đôi giày do một người bạn bày bán trong ngày thứ hai đặt chân đến Colombia.


Trong khi đó, những kẻ buôn người cũng phải trả tiền cho các băng nhóm tội phạm Colombia để được phép hoạt động. Theo thống kê của Liên hợp quốc, 1,9 triệu người dân Venezuela đã bỏ chạy khỏi đất nước kể từ năm 2015. Nếu tính cả những người đã rời đi trước đó, con số này lên đến 2,6 triệu người.

Cuộc di cư lớn nhất từng xảy ra tại Nam Mỹ đang gây gánh nặng lớn lên các quốc gia ở khu vực này. Dù trước đây từng chào đón cộng đồng người di cư Venezuela, Colombia, Ecuador và Peru gần đây đã siết chặt nhập cảnh. Lực lượng cảnh sát tại các quốc gia này cũng tiến hành nhiều cuộc đột kích, bắt giữ những người nhập cư không có giấy tờ pháp lý.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia - Carlos Holmes Trujillo cho biết, số người nhập cư từ Venezuela tại quốc gia này có thể lên đến 4 triệu người vào năm 2021, gây gánh nặng tài chính 9 tỷ USD.

"Tính chất nghiêm trọng của thách thức này là điều quốc gia chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến”, Bộ trưởng Trujillo cho biết.

Nhiều người nhập cư Venezuela không có giấy tờ pháp lý tụ tập bên lề đường, xin đi nhờ xe đến thành phố Bogota hoặc Medellin.


Tại Brazil, quốc gia có biên giới với Venezuela, chính phủ đã huy động quân đội và nguồn tài chính để kiểm soát dòng người di cư, giúp đỡ những trường hợp bị bệnh và phụ nữ mang thai. Trong khi đó, tại Ecuador và Peru, nhiều người nói rằng họ bị giảm thu nhập vì sự xuất hiện của lao động nhập cư Venezuela, lo ngại tình trạng tội phạm đang lẩn trốn trong cộng đồng này.

“Họ quá đông”, Antonio Mamani, một người bán quần áo dạo tại Peru cho biết. Mamani từng tận mắt chứng kiến cảnh sát đưa những người Venezuela nhập cư trái phép lên một chiếc xe buýt gần thủ đô Lima.

Reuters cho biết, do nhập cư trái phép nên những di dân trở thành mục tiêu của các mạng lưới tội phạm kinh doanh mại dâm, buôn lậu chất cấm và nhiều hình thức khác. Tháng 8 vừa qua, giới điều tra Colombia đã phát hiện 23 trường hợp nhập cư bất hợp pháp bị ép buộc vào con đường mại dâm. Những người này đang sống tại các tầng hầm ở thành phố Cartagena phía Bắc Colombia.

Dù phần lớn người nhập cư đều cố tránh dính vào những rắc rối tương tự, nhiều người trong số họ vẫn đối mặt với những vấn đề như không có nơi ở, thất nghiệp, cho đến sự lạnh nhạt khi ngủ vạ vật tại các quảng trường công cộng, bán hàng rong hay đổ dồn đến những bệnh viện đã quá tải.

Johana Narvaez, người mẹ 36 tuổi của 4 đứa con cho biết, gia đình cô rời đi sau khi công việc kinh doanh cửa hàng sửa chữa ô tô nhỏ tại bang Trujillo (Venezuela) gặp khó khăn. Phần kiếm thêm ít ỏi từ việc bán thức ăn trên phố cũng không giúp cải thiện tình hình vì tiền mặt là thứ khan hiếm tại quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao, lên đến gần 500.000% thời gian gần đây.

Gia đình Johana Narvaez ngủ vạ vật tại một con ngõ bẩn thỉu trước khi tiếp tục hành trình.


“Chúng ta không thể ở lại. Dù là đi bộ, chúng ta cũng phải đi”, Narvaez nói với người chồng, sau khi gia đình hồi tháng 8 rơi vào tình trạng không còn lương thực và phải sống nhờ những chiếc bánh bột ngô của bạn bè. Chồng Narvaez, anh Jairo Sulbaran, đã phải đi ăn xin và bán lốp xe cũ cho đến khi gia đình có thể mua vé xe buýt đến biên giới.

Trước tình trạng dòng người rời bỏ đất nước, Tổng thống Venezuela Nicoles Maduro đã lên tiếng cảnh báo những người di cư sẽ rơi vào tình cảnh “phải dọn nhà vệ sinh”. Ông thậm chí từng ra lệnh cung cấp những chuyến bay hồi hương miễn phí thông qua một chương trình có tên gọi “Trở về quê hương” cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết những người đã rời bỏ đất nước đều đưa ra lựa chọn khác.

Cho đến gần đây, nhiều người dân Venezuela vẫn có thể nhập cảnh vào các quốc gia khu vực Nam Mỹ chỉ với thẻ nhận dạng. Tuy nhiên, một số nước đang siết chặt chính sách, yêu cầu người nhập cư phải có hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ pháp lý.

Cảnh sát Colombia kiểm tra một người phụ nữ nhập cư trái phép trong cuộc đột kích tại khu tự quản Villa del Rosario, trước khi buộc cô và con trai phải trở lại Venezuela.


Song, hộ chiếu tại Venezuela thậm chí là điều xa xỉ. Những thủ tục hành chính phức tạp cũng khiến việc hoàn thiện giấy tờ gần như bất khả thi. Nhiều người phàn nàn phải đợi 2 năm trong vô vọng sau khi nộp đơn, trong khi một số cho biết phải trả 2.000 USD nếu muốn nhận được giấy tờ.

Về vấn đề này, chính quyền Tổng thống Maduro hồi tháng 7 vừa qua tuyên bố sẽ cải tổ tại cơ quan quản lý hộ chiếu nhằm loại bỏ “những công chức quan liêu và nạn tham nhũng”. Dù vậy, Bộ Thông tin Venezuela không lên tiếng bình luận.

Cũng trong tình trạng phải đối mặt với làn sóng nhập cư bất hợp pháp như Venezuela, Colombia xác nhận mỗi ngày phát hiện khoảng 3.000 thẻ biên giới giả tại các điểm nhập cảnh. Trước đó, Colombia đã cung cấp loại thẻ này để người dân có thể dễ dàng qua lại khu vực biên giới. Bất chấp việc tăng cường tuần tra biên giới dài 2.200km, giới chức nước này cho biết, công tác đảm bảo an ninh là bất khả thi.

Cảnh sát Colombia kiểm tra giấy tờ của người nhập cư Venezuela tại một điểm nhập cảnh giáp biên giới hai nước.


“Việc này giống như cố gắng làm cạn đại dương bằng một chiếc xô”, Mauricio Franco, một quan chức phụ trách an ninh tại thành phố Cucuta nói.

Ngoài vấn nạn nhập cư trái phép, Colombia cũng đối mặt với tình trạng các băng nhóm tội phạm lớn chuyên buôn lậu dọc biên giới đang chia sẻ lợi nhuận từ việc buôn người. Javier Barrera, người đứng đầu cảnh sát Cucuta cho biết, Gulf Clan và Los Rastrojos, hai tổ chức tội phạm khét tiếng hoạt động trên phạm vi toàn quốc đều dính líu đến hoạt động buôn người.

Mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi dòng người di cư vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng người ly hương chạy trốn khủng hoảng ở Venezuela

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.