Sư đoàn 313 (nay là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 313, Quân khu 2) là một trong những đơn vị chủ lực, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989).
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 hướng dẫn người dân địa phương phát triển cây trồng cho năng suất cao. Ảnh: QUỐC HOÀN. |
Những ngày đầu xuân mới Kỷ Hợi 2019, có dịp đến xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) - 1 trong 13 xã trong vùng dự án của Đoàn KTQP 313, ở đâu cũng bắt gặp màu xanh bạt ngàn của những nương chè, đồi dứa, vườn chuối, cây công nghiệp ngút ngàn tầm mắt. Ngắm nhìn cảnh vật yên bình của Thanh Thủy, ít ai có thể ngờ rằng nơi đây từng là chiến trường rất ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Theo Đại tá Lương Công Chất, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KTQP 313, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 15-3-1979, Sư đoàn 313 được thành lập tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Ngay sau khi ra đời, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với các lực lượng nêu cao tinh thần yêu nước, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám đất, bám chốt, giữ vững trận địa, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Phát huy truyền thống và noi gương các thế hệ cha anh đi trước, nhiều năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 313 luôn xác định: Phải quyết tâm hồi sinh “vùng đất chết”, coi đây là cuộc chiến đấu giữa thời bình!
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 hướng dẫn người dân xã Thanh Thủy chăn nuôi gia súc. |
Chủ trương xác định như vậy, tuy nhiên, quá trình bắt tay vào thực hiện, đơn vị gặp không ít khó khăn. Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 313, khu KTQP do đơn vị đảm nhiệm gồm 13 xã, thuộc 3 huyện: Xín Mần, Vị Xuyên và Hoàng Su Phì (Hà Giang), có đường biên giới dài 102,34km; gồm 89 thôn, bản (36 thôn giáp biên giới); 12 dân tộc cùng sinh sống; địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh chính trị. Đặc biệt, khoảng hơn 10 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn chiếm hơn 70%.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 313 đã lãnh đạo, chỉ đạo các đội sản xuất, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cơ quan quân sự địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em, buôn lậu qua biên giới, xuất nhập cảnh, khai thác lâm sản trái phép... kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả, không để phát sinh điểm nóng. Đơn vị cũng tích cực giúp đỡ các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, thông qua việc bồi dưỡng, giúp đỡ các tổ chức chính trị từ cấp xã tới thôn, bản, bảo đảm đi vào hoạt động nền nếp, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 hướng dẫn người dân xã Thanh Thủy chăn nuôi gia súc. |
Đoàn KTQP 313 cũng triển khai hiệu quả các công trình, dự án KTQP trên địa bàn 13 xã trong vùng dự án, gắn với Cuộc vận động “Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, đơn vị đã đề nghị Bộ Quốc phòng phê duyệt đầu tư 25 điểm dân cư tập trung, quy mô 347 hộ/1.433 nhân khẩu; giúp đỡ di dời 290 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; triển khai 6 dự án trồng, chăm sóc rừng, với tổng diện tích 667,14ha; xây dựng hai công trình cấp điện sinh hoạt, 32 công trình thủy lợi nhỏ, 132 bể nước sinh hoạt cho người dân, bảo đảm nước tưới tiêu cho hơn 1.000ha lúa và nước sinh hoạt của 2.500 hộ dân; xây dựng hàng chục tuyến đường giao thông, 10 điểm trường mầm non và tiểu học... Đặc biệt, Đoàn KTQP 313 đã triển khai hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tại 11 xã với tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng và 2.084 hộ tham gia. Mô hình nuôi bò sinh sản được thực hiện luân phiên tại 4 xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy (Vị Xuyên) với số lượng 80 con/80 hộ. Đến nay, tổng đàn lên đến gần 300 con...
Tham gia mô hình của Đoàn KTQP 313, anh Sùng Thìn Hầu, thôn Cáo Sào, xã Lao Chải, được cấp một con trâu sinh sản. Sau 8 năm chăm sóc, đến nay, gia đình anh Hầu có 5 con trâu và chính thức thoát khỏi cảnh nghèo đói. Hoặc trước đây, nhiều gia đình trên địa bàn các xã: Thanh Thủy, Lao Chải, Xín Chải, do thiếu nước chỉ trồng được một vụ ngô, đất đai cằn cỗi, cây màu khó sinh trưởng, thì nay, hệ thống kênh mương nước do Đoàn KTQP 313 đầu tư tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng màu, lúa được tăng lên hai vụ, nhờ đó, cuộc sống của đồng bào được cải thiện rõ rệt. Nếu năm 2002, tỷ lệ hộ nghèo của các xã trong vùng dự án là 71%, đến nay giảm xuống chỉ còn 40,3% theo tiêu chí mới.
Bà Nguyễn Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy ghi nhận: “Bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm trước nhân dân, bộ đội Đoàn KTQP 313 thực sự là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thanh Thủy vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.