Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến với biên cương để thêm yêu Tổ quốc

Dương Linh| 20/06/2023 07:21

(HNM) - Chuyến đi thực tế tới các đồn biên phòng ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc bắt đầu từ 5h. Thành viên trong đoàn - gồm 17 người, có lãnh đạo Hội Nhà báo cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên của 7 cơ quan báo chí Hà Nội.

Phóng viên báo chí Hà Nội tác nghiệp tại Mũi Cà Mau. Ảnh: Nguyệt Ánh

Gần trưa chúng tôi đến thành phố Rạch Giá. Sau bữa cơm trưa, 13h chiều chúng tôi bắt đầu đến bến đò để sang Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang). Gọi là bến đò nhưng chỉ có một túp lều với vài chiếc xuồng cắm bến. Đây là đồn biên phòng có diện tích rất nhỏ, nằm sát mép nước sông Cái Lớn, thuộc xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, bởi thế bước chân ra khỏi đồn là phải lên xuồng. Chúng tôi đã có một buổi chiều tìm hiểu về công việc, nhiệm vụ của những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Ngày hôm sau, đoàn khởi hành sớm để đi thực tế tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Khác với đồn Tây Yên, cơ sở vật chất của Đồn Biên phòng Phú Mỹ khang trang, rộng rãi hơn. Chúng tôi được nghe câu chuyện cảm tử bảo vệ Tổ quốc bên dòng sông Giang Thành của 30 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tây Yên. Thắp nén hương tưởng nhớ các anh tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, chúng tôi được biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những người lính kiên trung, bất khuất, đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong trận chiến đấu diễn ra vào ngày 17-5-1978.

Ở Đồn Biên phòng Phú Mỹ, chỉ có tôi và hai phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội được đi thăm chốt biên phòng nơi giáp biên bằng vỏ lãi. Ở miền sông nước này, đi vỏ lãi trên sông cũng chẳng khác mấy so với đi taxi trên bộ. Trên chốt không một bóng cây, giữa cái nắng như thiêu đốt cộng với không khí hanh khô, chúng tôi như muốn ngất xỉu. Vậy mà các cán bộ, chiến sĩ vẫn miệt mài ngày đêm giữ gìn biên cương.
Chúng tôi đã gặp những thanh niên trẻ từ miền núi phía Bắc, miền Trung đang công tác nơi miền sông nước, kênh rạch chằng chịt, nghe những lời chia sẻ mộc mạc của họ, để thấy rằng còn biết bao gia đình, bao người mẹ, người vợ của các chiến sĩ biên phòng sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để biên cương được bình yên.

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/ Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”. Nhiều thành viên trong đoàn đã lẩm nhẩm mấy câu hát này suốt hành trình đến với Đất Mũi. Có cơ hội đến với vùng đất cực Nam của Tổ quốc, ai cũng háo hức.

Sáng hôm đó, chúng tôi cũng dậy từ 5h sáng để khởi hành cho kịp đến với Đồn Điên phòng Đất Mũi. Điểm đến đầu tiên là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi đưa chúng tôi vào tham quan Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau, còn tranh thủ chỉ cho chúng tôi thấy đặc sản của Cà Mau là những chú cá thòi lòi nơi những cây đước mọc lên như bonsai cổ thụ. Một điều ngạc nhiên là cá thòi lòi có thể leo cây và hiện chỉ sinh sống trong tự nhiên, nơi đất bùn mịn, có thủy triều lên xuống, chứ chưa thể nuôi như nhiều loại thủy sản khác. Sau đó chúng tôi được thưởng thức bữa cơm thắm tình quân dân có món cá thòi lòi kho tiêu ngon tuyệt tại Đồn Biên phòng Đất Mũi. Bữa cơm giản dị, ấm cúng, có cảm giác như ở nhà mình vậy.

Đoàn công tác đã tham quan Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau - công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trao tặng tỉnh Cà Mau. Mặc dù hầu hết thành viên trong đoàn đã đến Đất Mũi, nhưng tất cả đều chưa tận mắt nhìn thấy Cột cờ Hà Nội tại mảnh đất cực Nam của Tổ quốc nên ai cũng bồi hồi xúc động. Dưới chân cột cờ, đoàn đã tiếp nhận lá cờ số 77, được treo từ ngày 20-4 đến 15-5-2023. Khi được trao tặng lá cờ Tổ quốc, ai cũng nhẹ nhàng nâng niu. Cảm giác thật thiêng liêng - Tổ quốc là đây.

Một điều đặc biệt hơn cả, đó là chúng tôi đã có một đêm nghỉ ở Đồn Biên phòng Rạch Gốc. Không màn, không điều hòa, không đóng cửa dù thời tiết nóng nực và rất nhiều muỗi. Sáng ra, muỗi đốt khắp người nhưng ai nấy đều cười xòa, thích thú vì đã có một trải nghiệm thật sự đáng nhớ.

Qua 6 ngày, từ ngày 14 đến 19-5, Đoàn công tác Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, viết bài phản ánh về các mặt hoạt động của chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Mỹ, Tây Yên (Kiên Giang), Đất Mũi, Rạch Gốc (Cà Mau); thăm một số di tích lịch sử cách mạng... Đoàn đã tặng quà tới 5 gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại các địa phương thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (trong đó Báo Hànộimới trao tặng quà cho 2 gia đình, mỗi gia đình 10 triệu đồng). Đoàn cũng trao tặng 18 suất quà tới các cháu học sinh mà các đồn biên phòng đang giúp đỡ trong chương trình “Nâng bước em tới trường”...

Hành trình đến với biên cương Tây Nam của Tổ quốc kết thúc với bao yêu thương. Hành lý mang về không chỉ có nắng gió phương Nam, mà còn có bao kỷ niệm đẹp để lưu giữ. Trải nghiệm thực tế như thắp lên ngọn lửa yêu quê hương, đất nước trong mỗi nhà báo, đồng thời giúp chúng tôi hiểu hơn về những đóng góp thầm lặng và sự kiên cường, dũng cảm của những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, như Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán chia sẻ: “Chúng ta yêu Tổ quốc hơn, yêu con người hơn sau mỗi chuyến đi như thế này”.

10 năm qua, chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội được tổ chức thường xuyên để phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí ở Hà Nội có dịp tìm hiểu, có các bài viết góp phần tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội, trao tặng quà cho người có công, học sinh nghèo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với biên cương để thêm yêu Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.