Chính trị

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024): Điểm tựa vững chắc nơi biên cương Tổ quốc

Hiền Phương 03/03/2024 - 06:54

Với trách nhiệm quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, 65 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng (tiền thân là lực lượng Công an nhân dân vũ trang) luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân kiên cường bám trụ nơi biên giới, biển đảo, tuyến đầu của Tổ quốc.

Với sự mưu trí, dũng cảm, kiên quyết, kiên trì, các chiến sĩ “quân hàm xanh” đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, là điểm tựa vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

can-bo-chien-si-on-bien-p.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm (Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng) tuần tra, bảo vệ khu vực biên giới. Ảnh: Hoàng Phúc

Giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của biên giới đối với vận mệnh quốc gia - dân tộc, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TƯ “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an nhân dân vũ trang, tiền thân của Bộ đội biên phòng ngày nay. Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang - nay là Bộ đội biên phòng.

Ngay từ ngày đầu thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng vừa khẩn trương xây dựng, củng cố tổ chức lực lượng, vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến miền Bắc, trực tiếp bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, các đơn vị Bộ đội biên phòng luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, kiên cường, dũng cảm chiến đấu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia có bước phát triển mới, Bộ đội biên phòng đã nhanh chóng tiếp quản và bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, góp phần thiết lập an ninh trật tự, ổn định vùng mới giải phóng; tổ chức triển khai đồn, trạm, vận động nhân dân xây dựng hệ thống phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bờ biển trên phạm vi cả nước; phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân cả nước kiên quyết đấu tranh, làm thất bại kế hoạch “hậu chiến”...

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979)…, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tiếp tục nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đồng thời, Bộ đội biên phòng đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia phá tan chế độ diệt chủng ở Campuchia, giúp nước bạn bảo vệ chủ quyền trên các tuyến biên giới; cử nhiều đội công tác giúp nhân dân Lào đấu tranh chống bọn phản động, góp phần giành độc lập, chủ quyền, xây dựng hòa bình, để lại ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em.

Với nhiều chiến công xuất sắc, Bộ đội biên phòng đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng với nhiều hình thức.

Chuyển mình cùng đất nước

Từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng báo cáo đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, đối sách và hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Đó là Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Luật Biên giới quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.

Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, xử lý kịp thời hàng trăm nghìn vụ vi phạm biên giới, vùng biển. Vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng, vừa tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; xả thân trong bão lũ cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, Bộ đội biên phòng đã chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân cả nư­­ớc. Bộ đội biên phòng tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa giữa các đơn vị Bộ đội biên phòng Việt Nam với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước láng giềng.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, quyết định về việc tổ chức Ngày Biên phòng 3-3 hằng năm. Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia năm 2003, trong đó quy định lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.

Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, gắn với thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Bộ đội biên phòng đã xây dựng được gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự trong cả nước.

Với sự tham mưu của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả. Điển hình như chương trình: “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ đội biên phòng phối hợp với cấp ủy các địa phương triển khai 688 lượt cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; 229 cán bộ tham gia HĐND cấp huyện, xã; đang tăng cường 289 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu hơn 2.000 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, bản biên giới và phân công gần 9.000 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới. Bộ đội biên phòng cũng đã ký kết nghĩa 188 cặp đồn - trạm; tham mưu với địa phương tổ chức ký kết nghĩa 215 cặp cụm dân cư hai bên biên giới.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định: Để tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về pháp luật, các quy chế, quy định về biên giới, hải đảo. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái cũng như mọi hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa..., xứng đáng là điểm tựa vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024): Điểm tựa vững chắc nơi biên cương Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.