Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới

Minh Phú (ghi)| 21/04/2023 06:37

(HNMO) - Sáng nay, 21-4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Tạo nên thành công chung trong thực hiện Chương trình này, hơn 2 năm qua, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc sát sao từ thành phố đến cơ sở, còn có sự chung sức rất lớn của người dân. Trước thềm hội nghị, Báo Hànộimới ghi nhận nhiều đóng góp từ cơ sở đang từng ngày xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh….

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan:
Hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, huyện Thanh Oai đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Năm 2022, huyện được công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, huyện đã đăng ký với thành phố phấn đấu có thêm từ 4 đến 6 xã nông thôn mới nâng cao, 1-2 xã nông thôn mới kiểu mẫu để hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Phát huy kết quả đã đạt được, Thanh Oai tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, trong đó, hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đột phá. Trong năm 2023, huyện tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, tiếp tục triển khai các dự án đường 21B, đường trục kinh tế của huyện, 5 cụm công nghiệp, khởi công chợ đầu mối phía Nam... Đồng thời, tập trung công tác quy hoạch vùng huyện gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch nông thôn mới làm cơ sở định hướng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nông thôn mới nâng cao là tiền đề để Thanh Oai phát triển theo hướng đô thị sinh thái mà vẫn giữ được nét đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của nông thôn trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản:
Nâng cao thu nhập cho người dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản.

Huyện Thường Tín đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Hiện tại, huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ kết quả xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư ngày càng trang khang. Các tuyến đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm đều được nhựa hóa và bê tông hóa; 71/89 trường học công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…

Trên địa bàn huyện có 120 làng cổ, trong đó có 48 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, 1 làng được công nhận làng nghề Hà Nội. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, tiện gỗ Nhị Khê, điêu khắc Hiền Giang... chẳng những tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động, mà còn chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa, là cơ hội để khai thác tiềm năng phát triển du lịch.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như: Lúa hàng hóa tập trung tại 2 xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả ở xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch lại diện tích đất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm tốt, phù hợp thị trường…, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân.

Thường Tín phấn đấu đến 2025, có từ 18 đến 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Phùng Xuân Việt:
Chọn lĩnh vực lợi thế để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Phùng Xuân Việt.

Phù Đổng thuộc vùng đất cổ trong hành lang “tam cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi) với tên gọi còn đến ngày nay. Hiện, trên địa bàn xã có Khu di tích Quốc gia đặc biệt - đền Phù Đổng với quần thể 10 điểm di tích vô cùng đặc sắc cùng Lễ hội Gióng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phù Đổng cũng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch năm 2021.

Phù Đổng ngày nay còn được biết đến là Làng nghề hoa giấy nổi tiếng bậc nhất miền Bắc với diện tích trồng hoa lên tới hơn 100ha. Trong đó, có hàng chục hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng vườn trại kết hợp du lịch trải nghiệm. Từ những lợi thế riêng, xã Phù Đổng định hướng xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Xã đã tuyên truyền, vận động để mỗi người dân Phù Đổng trở thành “đại sứ” quảng bá du lịch, thân thiện, mến khách để thu hút du khách tới tham quan.

Với việc quan tâm đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực lợi thế đó, năm 2022, Phù Đổng đã được thành phố đánh giá đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong lĩnh vực văn hóa và du lịch…

Ông Phạm Quang Minh, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai):
Tiếp tục hỗ trợ nhân dân khi có điều kiện

Ông Phạm Quang Minh, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Sài Sơn, nhưng yêu mến vùng quê trù phú, phong cảnh đẹp lại giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nên từ năm 2019, tôi đã mua đất, xây nhà ở Sài Sơn và coi đây như quê hương thứ 2 của mình. Do quen với nhịp sống ở trung tâm thành phố, khi mới chuyển về quê, tôi thấy Sài Sơn vẫn chưa có hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ. Buổi tối, thiếu ánh điện nên các tuyến đường đều rất khó đi, các hoạt động sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Từ thực tế đó, tôi nảy ra ý định hỗ trợ địa phương lắp bóng điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Sau khi đề xuất chính quyền địa phương, tôi đã được hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thực hiện. Ban đầu, tôi triển khai lắp điện chiếu sáng tại các các tuyến đường, nhà văn hóa, khu công trình tâm linh… ở thôn Đa Phúc, giúp làng quê sáng hơn, nhân dân rất phấn khởi, buổi tối đi dạo bộ, thể dục và tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nhà văn hóa thôn đông hơn. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục nhân rộng ra cả 6 thôn của xã, như: Sài Khê, Phúc Đức, Khánh Tân... Đến hết năm 2022, gia đình đã ủng hộ thiết bị, vật tư gồm cột đèn và bóng đèn năng lượng mặt trời cùng toàn bộ chi phí thuê nhân công lắp đặt 250 bóng đèn với số tiền 375 triệu đồng.

Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ lắp đặt thêm bóng đèn tại các vị trí còn thiếu. Có điều kiện đến đâu, tôi hỗ trợ đến đó với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé để làng quê phát triển.

Bà Đặng Thị Phương Châm, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn:
Sẵn sàng hiến đất để làm đường

Bà Đặng Thị Phương Châm, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn).

Nhà tôi ở cuối thôn Phú Hạ, xã Minh Phú. Trước năm 2022, tuyến đường xóm chạy tới đoạn nhà tôi là đường “cụt”. Gần nhà tôi là đường giao thông của thôn Thanh Trí, xã Minh Trí. Tháng 10-2022, khi địa phương có ý tưởng mở đường nối từ Phú Hạ tới Thanh Trí, được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã thống nhất hiến đất để mở để đường. 

Khi đó, tổng diện tích đất gia đình tôi là hơn 1.000m2, nếu hiến sẽ mất khoảng 1/3 tổng diện tích. Tất cả các thành viên trong gia đình đều băn khoăn, trăn trở bởi diện tích hiến quá lớn, trong khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Suy đi, tính lại rất nhiều nhưng tôi nhận thức được rằng việc hiến đất sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả cộng đồng, nên đã thuyết phục các thành viên trong gia đình gương mẫu ủng hộ phong trào. Sau khi hiến đất, địa phương đã nhanh chóng thi công và hoàn thành tuyến đường với mặt cắt đoạn qua nhà tôi rộng 7m, ô tô đi lại rất thuận tiện, nhân dân rất phấn khởi. Tôi thấy vui vì đã đóng góp vào công tác mở đường, giúp quê hương phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.