Giáo dục

Chung sức xây dựng “Thành phố học tập”

Thống Nhất 18/11/2023 - 07:02

Ngày 16-11, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TƯ “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quyết tâm đưa Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO, công tác khuyến học được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, từng cá nhân trên địa bàn Thủ đô đã, đang cụ thể hóa các giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống, chung sức quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.

t3-khuyenhoc.jpg
Tuyên dương học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập tại hội nghị phát động hưởng ứng phong trào thi đua

Xác định vị trí, vao trò và sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội trong việc xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động sự chung sức của cả hệ thống chính trị.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Hà Nội đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Chính phủ, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…

Kết quả ấy có sự góp sức không nhỏ của hội viên hội khuyến học ở từng tổ dân phố, cụm dân cư. Đơn cử như người dân tổ dân phố số 1, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) biết đến bà Vương Thị Hòa (70 tuổi) về sự nhiệt huyết, tích cực trong việc vận động các hội viên trong khu tập thể, kết hợp với chi bộ cơ sở vận động đảng viên ủng hộ quỹ khuyến học.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác khuyến học thời gian qua ở một số nơi còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; việc vận động, xây dựng quỹ khuyến học còn thấp so với tiềm năng... Nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu hạn chế, chưa thống nhất. Nghị quyết số 23-NQ/TU được ban hành với những giải pháp, mục tiêu cụ thể chắc chắn sẽ tạo bước chuyển rõ nét trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thêm nguồn động lực mạnh mẽ cho những người làm khuyến học.

Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TU là phát huy vai trò của hội khuyến học các cấp trong việc đồng hành cùng hệ thống chính trị, toàn dân để tạo nên phong trào thi đua khuyến học, nhân rộng các mô hình học tập.

Thể hiện tinh thần gương mẫu của đảng viên, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Đặng Thị Thu Phương cho biết, để tăng nguồn lực động viên học sinh khó khăn, sẽ tiếp tục đổi mới hình thức vận động gây quỹ khuyến học bằng nhiều hình thức như quyên góp tiền, dụng cụ học tập, phương tiện đi học cũng như các đồ dùng thiết yếu khác...

Trong 5 năm qua, dòng họ Bùi Đình ở thôn Điệp Thôn, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đều được công nhận “Dòng họ học tập” tiêu biểu. Ông Bùi Đình Bộ (thôn Điệp Thôn) cho biết, bản thân ông là người trưởng thành từ nguồn vay quỹ khuyến học của dòng họ để đi học. Giờ đây, khi đã đi làm, xây dựng gia đình riêng, có điều kiện kinh tế, ông không chỉ hoàn trả khoản vay mà luôn tích cực đóng góp để các thế hệ con cháu trong họ tiếp tục được sử dụng nguồn quỹ này hiệu quả.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, việc vận động đăng ký các mô hình học tập đã được các cấp hội và ngành Giáo dục cũng như các địa phương tập trung triển khai, coi đây là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Năm 2023, có 75,6% số gia đình đăng ký thi đua xây dựng mô hình “Gia đình học tập”; tỷ lệ đăng ký “Dòng họ học tập” là 71,5%; tỷ lệ đăng ký “Cộng đồng học tập” là gần 94%; tỷ lệ đăng ký “Công dân học tập” là 75%...

Với trách nhiệm là lực lượng nòng cốt, các hội viên khuyến học thành phố tiếp tục phát huy trách nhiệm, đồng hành cùng các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm góp sức hoàn thành mục tiêu đưa thành phố Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Thành ủy Hà Nội.

Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội:
Nhân rộng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài

t3-ykien-nguyen-thi-ngoc-.jpg

Với quan điểm chỉ đạo thống nhất nhận thức đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 23-NQ/TU có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng xã hội học tập. Để đạt mục tiêu đề ra, Hội sẽ tập trung củng cố, phát triển hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư, phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học...

Các cấp hội cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình công dân, gia đình, dòng họ học tập, xác định đây là chủ trương mang tính chiến lược để hiện thực hóa một bước mô hình xã hội học tập một cách bền vững. Việc xây dựng, duy trì, lan tỏa các mô hình học tập còn góp phần xây dựng văn hóa cộng đồng, khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng sẽ tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô, trước hết là cán bộ, hội viên khuyến học tích cực học tập thường xuyên, học tập suốt đời, phấn đấu trở thành những “Công dân học tập” của Thủ đô.

Ông Cấn Văn Mai, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai):
Tự học hỏi và không ngừng học tập để nâng chất lượng cuộc sống

t3-ykien-can-van-mai.jpg

Tôi bất ngờ và vinh dự được là một trong số những công dân được Hội Khuyến học Hà Nội trao thưởng gương học tập tiêu biểu với chủ đề “Học không bao giờ cùng”, biểu dương gương “Người tốt, việc tốt” năm 2023. Sinh ra ở vùng quê còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu trông chờ vào nghề nông, tôi cùng gia đình đã quyết định dồn điền đổi thửa 5.600m2 đất trũng, khó canh tác lứa của địa phương để phát triển mô hình chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả. Thời kỳ đầu, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ có các thành viên hội khuyến học địa phương hỗ trợ về tài liệu, kỹ thuật; chia sẻ, giới thiệu các mô hình hiệu quả, tôi có thêm động lực và kiến thức, có thêm phương pháp chăn nuôi gia cầm và trồng trọt.

Hiện nay, tổng doanh thu hằng năm của gia đình tôi đạt khoảng 5,8 tỷ đồng. Tôi hiểu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học, và thường nhắc nhở các con cần tự học và không ngừng học tập từ cuộc sống xung quanh và không tự bằng lòng với kiến thức, kỹ năng của mình.

Trần Nguyễn Thu Trang, nhà E3A chung cư Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm):
Cả gia đình đều phấn đấu là những “Công dân học tập”

t3-ykien-tran-nguyen-thu-.jpg

Em ngưỡng mộ, nể phục tấm gương bác Nguyễn Huy Kỳ (sinh năm 1940) - thí sinh lớn tuổi nhất trong hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Em tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn với việc học tập của bản thân và quan tâm hỗ trợ hai em nhỏ của mình hơn trong học tập. Ở khu dân cư và trường đại học hiện nay cũng triển khai nhiều hoạt động như nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con ngoan, hỗ trợ học sinh khó khăn, góp sách xây dựng tủ sách dùng chung, phát động phong trào đọc sách, quyên góp tiền, hiện vật để ủng hộ gia đình nghèo...

Tham gia các hoạt động này, em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và có nhiều trải nghiệm về cuộc sống thực tế, bao gồm cả những khó khăn có thể phải đối diện nếu không tự mình học hỏi, trau dồi. Hưởng ứng các phong trào ở khu dân cư, em sẽ vận động mọi thành viên trong gia đình cố gắng, phấn đấu là những “Công dân học tập”.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức xây dựng “Thành phố học tập”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.