Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ các giải pháp

Thế Văn| 16/11/2020 06:13

(HNM) - Hiện thành phố Hà Nội có 19.623,80ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 7.583,98ha, rừng trồng 12.039,82ha. Mặc dù, công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm song việc làm giàu cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế rừng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc trồng rừng chưa chú trọng đến các yêu cầu về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Có nhiều nguyên nhân, khách quan là do một số cơ chế, chính sách liên quan đến trồng rừng, đầu tư kinh doanh rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ chưa phù hợp thực tế; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp thiếu đồng bộ… Đáng nói là những nguyên nhân chủ quan đã kéo dài nhiều năm như việc các địa phương chưa bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định; chậm thực hiện các đề án bảo vệ, phát triển rừng mà thành phố đã phê duyệt; chưa tạo được cơ chế hấp dẫn, thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển rừng và kinh tế rừng…

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu kéo theo nhiều loại hình thời tiết cực đoan, bất thường; việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản đang gây sức ép với những đòi hỏi mới thì việc đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng và kinh tế rừng là hết sức cần thiết và cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

Để tạo bước chuyển mới trong khai thác, phát triển tiềm năng của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt, các đơn vị, địa phương cần tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 48/KH-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về phát triển lâm nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều hòa khí hậu; đồng thời, tạo cảnh quan, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và từng bước cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu, góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ cũng như hoạt động của các làng nghề.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh việc phân cấp quản lý nhà nước về lâm nghiệp cho sát với thực tế phát triển; rà soát những bất hợp lý trong quy hoạch rừng, thiết lập hồ sơ quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, bảo đảm có chủ thể quản lý diện tích rừng; tạo cơ chế ưu đãi về vốn vay để người dân được giao rừng, thuê rừng yên tâm trồng cây lâu năm lấy gỗ có giá trị kinh tế cao.

Đối với các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố, cùng với việc nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng từ 5,67% lên 6,2% vào năm 2025, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế dưới tán rừng để ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững; phát huy tối đa tác dụng của rừng, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc chuyển hóa rừng trồng các loại gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn kết hợp gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, chọn lựa các giống cây bản địa, xây dựng hệ thống vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp nhằm chủ động cho việc trồng rừng…

Về phía người dân cần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình. Thực tế ở nhiều địa phương, nhờ phát huy thế mạnh kinh tế rừng nên cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, Hà Nội hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu làm giàu rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.