Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đón trẻ vào học trong tháng 10

Thống Nhất| 17/09/2014 06:39

(HNM) - Tiếp theo thông tin Báo Hànộimới đã đưa (số ra ngày 16-9) về việc nhiều trẻ 3 tuổi ở xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) phải ở nhà do trường mầm non (MN) xã không có đủ lớp học, ngày 16-9, tại cuộc làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất khẳng định


Bỗng dưng "thất học"

Ngày 16-9, có mặt tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận ý kiến bức xúc của phụ huynh về việc con em họ đã học lớp nhà trẻ 2 tuổi ở trường MN xã, nay lên 3 bỗng dưng có thông báo phải ở nhà vì trường không đủ lớp học. Chị Bùi Thị Thu Hoài, mẹ của bé Bùi Hồng Quyên nói: "Năm trước, cháu Quyên đi học ở trường MN xã, dù lớp đặt tại nhà kho của thôn Thuống, nhiều thứ còn khó khăn, song được các cô giáo nuôi dạy tốt nên cháu rất ngoan, biết hát, đọc thơ và tăng cân. Năm nay cháu phải ở nhà, gia đình chỉ biết chờ, mà cũng chưa biết phải chờ trong bao lâu. Nghe có người bảo khi con 4 tuổi thì lại được đi học". Chị Hoài cho biết, nhà chị còn có ông, bà trông nom cháu, chứ ở nhiều nhà khác, bố, mẹ phải nghỉ làm để trông con vì không có người đỡ đần.

Theo bà Nguyễn Thị Toan Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường MN Yên Bình, năm học 2014-2015 trường có 5 điểm trường. Trong số 130 trẻ 3 tuổi đã đi học từ năm ngoái, nhà trường chỉ nhận 70 trẻ vào học tiếp ở 2 điểm trường; 3 điểm trường còn lại, do cơ sở vật chất không bảo đảm (không có nhà vệ sinh, không có nguồn nước, không có phòng ngủ…) nên nhà trường chưa dám nhận.

Như vậy, nếu tính theo số trẻ 3 tuổi đã đi học từ năm ngoái thì hiện còn 60 trẻ chưa có chỗ học. Còn tính theo tổng số trẻ 3 tuổi trên địa bàn xã Yên Bình thì mới chỉ có 70/194 trẻ 3 tuổi đi học (36%). Điều đáng nói là năm học 2014-2015, trong khi trẻ 3 tuổi không có chỗ học, phải ở nhà thì Trường MN xã Yên Bình lại tuyển mới 145 trẻ 2 tuổi, phân bố ở mỗi khu một lớp.

Để giải quyết nguyện vọng gửi con của phụ huynh Trường MN Yên Bình, ngày hôm nay (17-9), Phòng GD-ĐT Thạch Thất sẽ rà soát nhu cầu gửi trẻ, đồng thời khảo sát lại cơ sở vật chất của 5 điểm trường. Theo phương án dự kiến, phòng GD-ĐT sẽ cải tạo để tách lớp ở điểm trường Dân Lập và Lụa vì hai nơi này đã được xây dựng kiên cố, diện tích phòng học lớn (70- 140m/phòng). Sau khi hoàn thành, 2 điểm này có thể tiếp nhận nốt số trẻ 3 tuổi đang chịu cảnh gián đoạn sự học. Phương án tiếp nhận trẻ 3 tuổi sẽ được hoàn thành trong tháng 9, đến tháng 10-2014 có thể đón trẻ vào lớp.

Người lớn thiếu sót, trẻ chịu thiệt thòi

Xét cả về lý và tình thì cách làm của Trường MN Yên Bình chưa hợp lý. Như đã dẫn ở trên, khi nhà trường có đủ điều kiện nuôi dạy thì thứ tự ưu tiên nhận học bắt đầu từ trẻ 5 tuổi, sau đến 4 tuổi, 3 tuổi và cuối cùng là 2 tuổi. Nhẽ ra phải ưu tiên nhận trẻ 2 tuổi trong năm học trước đã học tại trường, nay lên lớp mẫu giáo 3 tuổi thì nhà trường lại đẩy gần một nửa số này ra ngoài và đón lớp trẻ 2 tuổi mới. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Toan Hồng cho biết: Đặc thù của trường MN là phải có cả lớp nhà trẻ và mẫu giáo; hơn nữa, nhu cầu gửi con 2 tuổi ở xã cao hơn so với gửi con ở độ tuổi lên 3. Vì vậy, chỉ có 2/5 điểm trường tổ chức nuôi dạy trẻ 3 tuổi, 3 điểm còn lại chỉ có trẻ 2, 4 và 5 tuổi.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, MN Yên Bình trước đây có tới 11 điểm lẻ, sau gom thành 5 điểm. Sau năm 2008, trường chuyển từ mô hình bán công nông thôn sang công lập tự chủ, việc quản lý được bàn giao từ cấp xã lên cấp huyện, được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ (trẻ đi học được miễn học phí, được hỗ trợ ăn trưa), chất lượng nuôi dạy trẻ có nhiều chuyển biến nên nhu cầu gửi trẻ đến trường ngày càng tăng. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch số 166/KH-UBND về việc xây dựng Trường MN Yên Bình, UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên đến nay, công trình vẫn chưa được khởi công.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, nhiều năm qua trường MN xã phải mượn nhà văn hóa, nhà kho để tổ chức nuôi dạy trẻ. Việc sử dụng chung cơ sở vật chất khiến cho việc tổ chức nuôi dạy đôi khi ngắt quãng, thậm chí có tuần cô và trò phải nghỉ học vài ba buổi vì phòng học bị đòi lại để thực hiện đúng chức năng là nơi sinh hoạt, họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục của người dân trong thôn. Đến đầu năm học 2014-2015, sau khi có chỉ đạo của UBND huyện về công tác tuyển sinh theo hướng cơ sở vật chất đến đâu thì đón trẻ đến đó, không được phép sử dụng nhà văn hóa làm nơi nuôi dạy trẻ nữa, nên nhà trường càng thêm khó khăn, số trẻ ra lớp chỉ đạt 55% tổng số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn (489/891 trẻ).

Trước sự việc này, lãnh đạo phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng ban giám hiệu Trường MN Yên Bình đã hiểu quá máy móc về điều lệ trường MN; đồng thời thiếu linh hoạt khi triển khai nhiệm vụ. Để xảy ra sự việc này, với trách nhiệm là cơ quan quản lý trực tiếp, Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất chưa thực sự sát sao trong việc "gác cổng" tuyển sinh, chưa nắm rõ nhu cầu thực tế và lường trước được những "điểm nóng" để chủ động phương án xử lý. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định: Ngoài việc thực hiện phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi, nhà trường phải ưu tiên duy trì việc nuôi dạy những trẻ đang học tại trường, không được vì lý do nào đó mà làm gián đoạn việc học của trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đón trẻ vào học trong tháng 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.