(HNM) - Chăn nuôi an toàn sinh học mang đến nhiều lợi ích. Đó là bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, sản phẩm bảo đảm chất lượng, tiêu thụ tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn, đây là hướng đi phù hợp, cần đẩy mạnh hơn nữa, bởi dư địa (mở rộng sản xuất và thị trường) trong lĩnh vực này ở Hà Nội còn rất lớn.
Dù khá hiệu quả, nhưng với những tồn tại, hạn chế hiện hữu của ngành chăn nuôi nói chung, đã khiến chăn nuôi an toàn sinh học gặp một số khó khăn khi nhân rộng. Điểm yếu căn cốt là hệ thống chăn nuôi hiện chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên phát triển không bền vững về năng suất, giá cả và chất lượng sản phẩm. Chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao.
Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết triệt để; giết mổ thủ công chưa được kiểm soát… Chưa kể, chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi không định hình rõ nét, dẫn tới thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người sản xuất.
Với những khó khăn kể trên, vấn đề hiện nay là muốn phát triển, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phối hợp với các địa phương xây dựng và thực hiện quy hoạch lĩnh vực chăn nuôi, từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Với việc này, yêu cầu nhất quán là triển khai trong tầm kiểm soát, không làm ồ ạt. Muốn vậy, phải xem xét, đánh giá đầy đủ các yếu tố về nhu cầu thị trường; thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu, con giống từng vùng nuôi; kinh nghiệm, trình độ của người chăn nuôi… Từ đó quy hoạch, hình thành nên những vùng nuôi vừa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, vừa cân đối được cung cầu và quyền lợi của người chăn nuôi.
Trước thực tế phần lớn hộ chăn nuôi vẫn làm theo kinh nghiệm, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm… để giúp người chăn nuôi kết hợp tốt giữa kinh nghiệm và khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, tạo thuận lợi cho vay vốn ưu đãi; bố trí quỹ đất để xây dựng các khu chăn nuôi xa dân cư; tăng cường quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và tập trung đầu tư công nghiệp chế biến. Trong khâu giống, cần tuyển chọn con giống tốt, có tính đặc hữu, đồng thời bảo tồn, phát triển loài vật nuôi bản địa cho sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài ra, các địa phương và ngành chức năng như: Công Thương, Nông nghiệp… cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp để giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm mang tính lâu dài. Để giải “bài toán” có tính chất thành bại này, việc quan trọng là phải hình thành cho được chuỗi liên kết từ khâu giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ. Tiếp đến là tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người chăn nuôi, cùng với việc tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học do cơ quan chức năng quy định, khuyến cáo. Trong đó, cần xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, ứng dụng thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu.
Là một hướng đi tất yếu, nhưng chăn nuôi an toàn sinh học muốn thành công, đòi hỏi trách nhiệm cao của các bên liên quan. Ở đó, không có chỗ cho làm ăn chộp giật, “được chăng hay chớ”!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.