(HNM) - Trận mưa to, diện rộng cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, tôi được giao phản ánh tình hình hộ đê, thiệt hại, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống tại khu vực ngoại thành. Di chuyển vào vùng “rốn lũ” là công việc vô cùng khó khăn.
Do mưa lớn nên đoạn đường ở khu vực Ba La ngập sâu tới 60cm, chia cắt tuyến đường huyết mạch nối quận Hà Đông với các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức… Để đi qua khu vực này, chúng tôi phải di chuyển bằng xe buýt đến trụ sở UBND các huyện, sau đó mượn hoặc thuê xe tiếp tục di chuyển tới các xã vùng “rốn lũ”: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên, Tốt Động… (huyện Chương Mỹ); Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Tiến, An Phú… (huyện Mỹ Đức). Nhiều đoạn đường vào các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hợp Thanh… ngập sâu từ 1,2 đến 1,5m. Để vào được các khu dân cư, chúng tôi phải lội nước, đi nhờ công nông, thuyền…
Ấn tượng sâu sắc nhất là chúng tôi vừa di chuyển giữa biển nước mênh mông, vừa chụp ảnh, rồi nhanh chóng viết, truyền tin, bài về tòa soạn, đến khi hoàn thành công việc thì trời đã tối mịt, mới nhớ ra là mình... đói. Tác nghiệp trong lũ lụt ở ngay Hà Nội nên chúng tôi coi đây là trải nghiệm để có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá.
Gần một tháng “cắm chốt” tại hiện trường, tôi tự hào vì công việc của mình đã góp phần cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân vùng chịu thiệt hại vì mưa lũ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Điều đọng lại là khi trả lời phỏng vấn, người dân đều bày tỏ sự tin tưởng, lũ sẽ qua đi, cuộc sống sẽ sớm ổn định trở lại...
Những điều ý nghĩa đó sẽ tiếp tục là động lực để những người làm báo Hànộimới chúng tôi cố gắng hơn, đổi mới hơn nữa để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.