Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Đức Anh| 24/07/2020 11:04

(HNMO) - Ngày 24-7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững”. Hội nghị được hỗ trợ bởi Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) và có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành trung ương.

Quang cảnh hội nghị.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81% - mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Hội nghị được tổ chức nhằm hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 của Việt Nam, đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững. 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã có những phân tích về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện Công ty Panasonic Việt Nam cho biết, công ty luôn mở cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là sau khi đưa ra các điều kiện, các doanh nghiệp FDI đều rất tích cực, trong khi doanh nghiệp trong nước lại rụt rè. Bởi vậy, doanh nghiệp nên tự tin khi tiếp xúc ban đầu với đối tác, nhằm tạo sự tin tưởng. 

Theo đại diện Samsung Việt Nam, công ty đang có khoảng 59 nhóm hàng linh kiện nội địa. Các nhà cung cấp ở Việt Nam mới dừng lại ở một số linh kiện nhựa, in ấn… trong khi Samsung cần hơn 400 linh kiện. Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn các nhà cung cấp liên tục cải tiến để trở thành bạn đồng hành với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nên tìm tòi để cung cấp những linh kiện mới, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư để bảo đảm tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong giai đoạn 10 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ra đời không ngừng tăng, đạt hơn 1,4 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu ngành nghề và quy mô, có tới 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, quy mô của doanh nghiệp vẫn còn nhỏ, với 66% doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chỉ đạt gần 5%... cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Mặc dù Việt Nam thu hút số lượng lớn doanh nghiệp FDI, nhưng cơ cấu nhập khẩu khá lớn, trong 1 USD xuất khẩu thì có tới 0,4 USD nhập từ nước ngoài. Tình trạng này xảy ra là do năng lực chất lượng của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu thông tin, khả năng cung ứng, năng lực tài chính và khả năng tiếp cận tài chính… còn thấp

Để các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi liên kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Về chính sách cụ thể thời gian tới, bà Bùi Thu Thủy nhấn mạnh, các bộ, ngành sẽ tập trung giúp đỡ doanh nghiệp về cơ sở kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị cao cấp, sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ đào tạo chuẩn hóa doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.