(HNM) - Trong 10 tháng năm 2014, cả nước có 60.023 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 352,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,5% về số DN và tăng 9,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân của một DN mới nói trên là 5,9 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô thì DN thành lập mới trong 10 tháng năm 2014 có chất lượng hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, quá trình đào thải đã, đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, lọc ra những DN thực sự có hoạt động kinh tế cũng như khả năng tồn tại; thể hiện chủ yếu bằng việc chủ động tìm cơ hội kinh doanh để mở rộng quy mô hoạt động.
Cả nước hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng. Ảnh: Bảo Lâm |
Cụ thể, trong 10 tháng qua đã có 474,5 nghìn tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế thông qua việc quyết định thay đổi, tăng vốn của DN. Đây là bằng chứng cho thực tế tồn tại và phát triển ngay trong hoàn cảnh khó khăn nói chung của một bộ phận DN ưu tú nhất. Ngược lại, cũng thời gian nói trên đã "tiễn đưa" 54.333 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN. Kết quả này tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của các DN gặp khó khăn, phải giải thể nói trên là 455,9 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước có 13.000 DN quay trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, có thể đánh giá rằng, trong giai đoạn nào của nền kinh tế cũng có thể chứng kiến sự thăng trầm của giới DN và xã hội cũng đang quen dần với thực tế này như một sự tất nhiên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các DN với nhau. Chỉ những đơn vị có sức mạnh tổng hợp, gồm vốn, kỹ năng quản lý, công nghệ, nhất là khả năng nắm bắt thời cơ và ra quyết định của chủ DN mới có thể tồn tại một cách "khỏe mạnh" trong bối cảnh hiện nay. Đáng lưu ý, một số ngành đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua biến động tăng số lượng DN gia nhập hoặc số DN rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy gia tăng về số DN thành lập mới gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và vận tải kho bãi; dịch vụ việc làm, cho thuê máy móc, thiết bị, du lịch; thông tin và truyền thông... tăng mạnh về số DN mới thành lập. Ngược lại, các ngành như: giải trí, ngân hàng, bảo hiểm, khai khoáng lại trầm lắng, thậm chí có nhiều DN rơi vào cảnh giải thể, ngừng hoạt động.
Thời gian tới, nhất là năm 2015 sẽ vẫn là thời điểm thử sức các DN và xác định đối tượng nào trụ lại thị trường, với nhiều nguyên nhân nhưng nổi lên là hai nhóm nguyên nhân chủ quan và khách quan đối với mỗi DN. Trong đó, xét về chủ quan thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ phải đối diện với một loạt thách thức, bất lợi xuất hiện từ mấy năm gần đây. Đó là tình trạng tồn đọng sản phẩm, sức mua của thị trường rất yếu và chậm hồi phục, thiếu vốn để thay đổi công nghệ và nghiêm trọng nhất là tình trạng nợ xấu vẫn còn ám ảnh không ít đơn vị.
Về khách quan, DN bị đặt trước một số tình huống cần tập trung sức vượt qua, đặc biệt là việc nhiều DN nước ngoài, nhất là những DN thuộc ASEAN sẽ "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, trực tiếp "đe dọa" DN nội tranh giành thị trường với 90 triệu người tiêu dùng. Các chuyên gia cảnh báo, một số lĩnh vực mà DN nội vốn khá lép vế như bán lẻ, sản xuất đồ gia dụng, hàng điện tử - bán dẫn, điện thoại... sẽ "lĩnh đủ" sự chèn ép từ phía đối thủ ngoại.
Trước tình hình trên, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó tăng cường hỗ trợ cộng đồng DN; đặc biệt hướng tới DN nhỏ và vừa. Cụ thể, Bộ Tài chính vừa yêu cầu ngành thuế thực hiện cắt giảm 200 giờ để kê khai, nộp thuế đối với DN và đang tiếp tục giảm thêm hơn 80 giờ trong một nỗ lực đưa DN Việt Nam được tạo điều kiện nộp thuế với thời gian ngang bằng các nước phát triển trong khu vực ASEAN. Hiện UBND các tỉnh, thành phố đã tự giác, chủ động cải thiện chỉ số cạnh tranh mời gọi đầu tư vào địa bàn. Các chuyên gia cho rằng, đó là một hiện thực đáng mừng, là cơ sở tạo ra nền tảng và chỗ dựa cho DN trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.