(HNM) - Công nghệ 5G đã được các nhà mạng trong nước thử nghiệm để đến năm 2020 khi thế giới bắt đầu thương mại hóa dịch vụ thì Việt Nam là một trong những nước cung cấp 5G đến khách hàng. Cùng với việc thử nghiệm 5G, các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, sản xuất chip (còn gọi là vi mạch) 5G, đi những bước tiên phong cho sản xuất Make in Vietnam.
Cùng với việc tiên phong thử nghiệm thành công 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiên phong đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G. Từ cuối năm 2018, trong các kế hoạch về sản xuất thiết bị 5G, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để làm chip 5G. Chia sẻ về tiến độ triển khai một số dự án này, ông Nguyễn Cương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel cho biết, theo kế hoạch, tháng 7-2020, sẽ ra mắt dòng chip đầu tiên về cao tần; tháng 4-2021 sẽ ra mắt thêm 2 dòng chip khác.
Cũng làm chip 5G, nhưng theo Tập đoàn FPT, tập đoàn không sản xuất ngay, mà xây dựng lộ trình kéo dài trong 10 năm. Trong 5 năm đầu, tập đoàn xác định đi làm thuê để có việc làm, kinh nghiệm; sau khi đạt kỹ thuật, FPT sẽ tự làm chip gia công cho các đối tác...
Còn theo ông Ngô Hoàng Anh - Trưởng phòng Phần mềm nhúng - Viện Nghiên cứu thiết bị viễn thông, Công ty VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup), VinSmart đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT (internet kết nối vạn vật); đồng thời, xây dựng phòng lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. "Dự kiến, đến tháng 7-2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt; tháng 8-2020 bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G - ông Ngô Hoàng Anh cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, dù đầu tư bài bản, nhưng việc triển khai sản xuất thiết bị 5G không phải không có những khó khăn. Theo ông Nguyễn Cương Hoàng, Viettel đã xây dựng được đội ngũ 1.300 kỹ sư làm chip và thiết bị 5G, nhưng khó khăn nhất vẫn là nguồn lực về con người.
Vì vậy, lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ra kết nối, xây dựng mạng lưới gồm các chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất chip đang làm việc ở nước ngoài, có thể mời họ về Việt Nam để trao đổi. Cấp thẩm quyền nên xây dựng chính sách "hàng rào kỹ thuật" để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Trong đó, ở một số lĩnh vực như cung cấp căn cước công dân điện tử, vé tàu điện, tài chính, ngân hàng... nên để doanh nghiệp công nghệ trong nước cung cấp sẽ đáp ứng được tiêu chí về an toàn, bảo mật cao. Ngoài ra, ngành chức năng, cấp thẩm quyền cũng nên nghiên cứu để miễn thuế thu nhập cá nhân cho các kỹ sư phần mềm, có thể giúp các công ty công nghệ trong nước tăng lương cho nhân viên...
Với kiến nghị của các doanh nghiệp, bà Tô Lan Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị đến cấp thẩm quyền các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực phần mềm; miễn các thủ tục về cấp phép lao động, visa xuất nhập cảnh. "Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng là cầu nối giữa cộng đồng sản xuất chip Việt Nam và quốc tế" - bà Tô Lan Hương khẳng định.
Nhấn mạnh về cam kết của cơ quan quản lý, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ mong muốn hình thành một cộng đồng chipset (vi mạch) ở Việt Nam cũng như mạng lưới chuyên gia nước ngoài với cộng đồng làm chipset trong nước. Bộ sẵn sàng đứng ra tổ chức các buổi làm việc mỗi quý một lần để kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp, nhằm giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.